Ngày 31/1, Netflix Nhật Bản đăng một bộ phim hoạt hình ngắn dài ba phút tên The Dog and the Boy lên Twitter. Bộ phim nhận được ba triệu lượt xem và hơn 7 nghìn lượt bình luận cùng 3,1 nghìn lượt retweet.
Bộ phim thu hút chú ý lớn vì hình ảnh được vẽ bởi AI. Ở cuối phim, nhà sản xuất cho biết tác giả minh họa là "AI + con người". Thậm chí, "con người" còn không có tên, như không được ghi nhận.
Trong phần mô tả, Netflix nói rõ quá trình sử dụng trí tuệ nhân tạo ra sao để tạo ra các phân cảnh. Tuy nhiên, hãng giải thích đây là "thử nghiệm để giúp ngành công nghiệp anmie đang thiếu hụt lao động".
Câu nói này đã khơi mào một cuộc tranh cãi trong cộng đồng nghệ thuật, khi các họa sĩ cho rằng đó là lời bao biện dối trá. Theo trang Kotaku, Netflix không chỉ thử nghiệm một công nghệ còn tồn tại nhiều vấn đề đạo đức, họ còn cho thấy sự thiếu tôn trọng họa sĩ vẽ minh họa. "Nếu Nhật Bản thiếu họa sĩ hoạt hình, đó là vì ngành công nghiệp này trả cho người làm việc tự do một mức lương bèo bọt để vẽ thủ công", chuyên trang bình luận.
"Tôi biết nhiều nghệ sĩ hoạt hình đang nỗ lực tìm việc. Liệu các bạn đã thật sự tìm kiếm họ trước khi nói thị trường bị thiếu lao động?", nghệ sĩ âm nhạc nổi danh Daniel Stein đặt câu hỏi. Bài viết của anh nhận được hơn 22,3 nghìn lượt thích. Anh cũng đăng hashtag #artistagainstai (nghệ sĩ chống lại AI) và kêu gọi mọi người tham gia vì cần "đứng lên để bảo vệ tất cả nghệ sĩ và cộng đồng".
Trong khi đó, Zakuga Mignon, họa sĩ người Nhật viết trên Twitter: "Rất nhiều họa sĩ vẽ anime đang sợ hãi" về tương lai bị AI thay thế. Mgnon cũng là người khởi tạo hashtag #SupportHumanArtists (hỗ trợ người nghệ sĩ) tháng 12 năm ngoái. Từ khóa này bất ngờ lên top thịnh hành khi bộ phim của Netflix được đăng lên.
Rest of World dẫn lời Taiki Sakurai, nhà sản xuất anime của Netflix: "Chúng tôi tự hào là một phần của một dự án thú vị như vậy. Hy vọng nó góp phần đổi mới và mang đến lựa chọn linh hoạt hơn cho quy trình sáng tạo anime trong tương lai". Tuy nhiên, ông từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến sự tranh cãi trên cộng đồng.
Các chuyên gia trong ngành lo ngại tính linh hoạt mới này đồng nghĩa các nghệ sĩ có thể mất việc, trong khi các tác phẩm nghệ thuật bị thay đổi theo hướng tồi tệ hơn.
Elena Altheman, thành viên nhóm nghiên cứu The Platform Lab của Đại học Concordia (Canada), nói với Rest of World: "Các nghệ sĩ minh họa là một phần quan trọng của quy trình sản xuất hoạt hình. Họ có kỹ năng cao, đảm nhiệm các công việc then chốt như thiết lập tông màu, độ chi tiết và nhiều thứ phức tạp khác trong một khung hình".
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý sự tiến bộ của AI sẽ "cướp mất miếng cơm manh áo" nếu họa sĩ không tự làm mới mình và tạo được giá trị riêng biệt. Ngoài ra, những tranh cãi liên quan đến bộ phim của Netflix là lời nhắc nhở về việc các công cụ tự động có thể ảnh hưởng đến một ngành nghề vốn mang đậm chất "con người" như thế nào.