Khối ngoại có tháng mua ròng đầu tiên trong năm 2022
VN-Index giảm 125,35 điểm tương đương 8,4% trong tháng 4 kết thúc tháng ở mức 1.366,8 điểm. Thanh khoản tháng giảm 27% so với tháng trước đó và giảm 21% so với trung bình 5 tháng.
Liên quan đến giao dịch khối ngoại, NĐT nước ngoài mua ròng 3.914 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 4, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 1.828 tỷ đồng. Như vậy nước ngoài mua ròng tháng đầu tiên trong năm 2022 đặc biệt trong bối cảnh họ bán ròng 18/21 tháng gần nhất. Tháng gần nhất trước đó khối ngoại mua ròng là tháng 7/2021 khi VN-Index cũng giảm mạnh 6,99%.
Đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn ngoại đã trở lại sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp. Với việc mua ròng trong tháng 4, giá trị rút ròng từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm xuống còn hơn 3.432 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Tập trung gom MWG và FPT trên sàn HOSE
Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu MWG hút tiền với giá trị mua ròng dẫn đầu toàn thị trường, bỏ xa các cổ phiếu còn lại trong Top10 với 1.825,5 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân mạnh mẽ của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của Thế Giới Di Động miệt mài leo lên các đỉnh cao mới trước khi chịu áp lực điều chỉnh về cuối tháng.
Đóng cửa phiên cuối tháng 4, thị giá MWG dừng tại 149.200 đồng/cp, tăng 2,3% so với tháng trước đó. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 109.218 tỷ đồng.
Cùng với MWG, FPT cũng là một trong các bluechips âm thầm lập đỉnh mới thời gian gần đây và xếp vị trí thứ hai trong danh mục mua ròng tháng này. Cụ thể, NĐT nước ngoài gom ròng 1.112,4 tỷ đồng cổ phiếu FPT bất chấp xu hướng bán ròng của NĐT cá nhân.
Dòng vốn ngoại còn tìm đến VNM, GEX, NLG, MSN, VRE với giá trị vào ròng 278 - 552 tỷ đồng. Lực cầu còn còn hướng đến nhiều mã ngành hóa chất như DGC (348,2 tỷ đồng) và DPM (335,6 tỷ đồng). Tại thị trường chứng chỉ quỹ, FUEVFVND được mua ròng với giá trị là 376,4 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu VHM của Vinhomes với giá trị bán ròng hơn 1.292,1 tỷ đồng.
Cùng chiều, ông lớn HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng bị rút ròng với 958,1 tỷ đồng. Trái với những con số kinh doanh tích cực, cổ phiếu HPG lại khiến cổ đông chán nản với các nhịp điều chỉnh liên tục. Đóng cửa phiên cuối tháng 4, thị giá HPG dừng tại 43.300 đồng/cp, giảm 4% so với tháng trước.
Theo sau là loạt cổ phiếu chứng khoán như VND (238,6 tỷ đồng), SSI (122,2 tỷ đồng), HCM (118,6 tỷ đồng)...
NĐT nước ngoài bán ròng gần 31 tỷ đồng trên HNX, giao dịch rút vốn tập trung tại NVB, VCS
Trong tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 30,77 tỷ đồng trên sàn HNX. Giá trị mua vào và bán ra lần lượt là 344,31 tỷ đồng và 375,08 tỷ đồng.
Trong đó, mã được gom nhiều nhất là PVI với 20,5 tỷ đồng. Cùng chiều IDC và SHS cũng được mua ròng với giá trị lần lượt là 17,2 tỷ và 15,4 tỷ đồng. Danh mục Top5 mua ròng cũng gọi tên TVD và PVS với giá trị tương đương.
Chiều ngược lại, cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân dẫn đầu với giá trị bán ròng 49,2 tỷ đồng. Nối tiếp là các mã VCS (37,2 tỷ đồng), THD (10,7 tỷ đồng), BCS (8,3 tỷ đồng) và CAN (7,9 tỷ đồng).
Tâm điểm mua ròng trên UPCoM thuộc về QNS và LTG
Đối lập với sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 136,26 tỷ đồng trên thị trường UPCoM trong tháng 4. Giá trị giao dịch trên sàn này có phần nhỉnh hơn so với trên HNX khi mua vào 535,46 tỷ đồng và bán ra 399,2 tỷ đồng.
Tâm điểm mua ròng là hai mã QNS và LTG với quy mô lần lượt là 130,8 tỷ và 50,9 tỷ đồng. Lực cầu cũng hướng đến nhiều mã quen thuộc khác như QTP, MPC, OIL với giá trị dưới 20 tỷ đồng.
Giao dịch tại chiều bán tập trung tại VTP với gần 42,1 tỷ đồng. Hoạt động chốt lời mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của Vietel Post xuất hiện nhịp tăng từ đầu tháng 3 sau đó lập đỉnh vào giữa tháng 4 và tuột dốc về mốc 72.500 đồng/cp thời điểm hiện tại.
Kế đó, dòng tiền ngoại rút ròng mã VEA với giá trị 38,4 tỷ đồng trước khi bán ròng nhẹ hơn MCH (27,5 tỷ đồng), VGT (8,5 tỷ đồng) và ABI (7,3 tỷ đồng).