VN-Index đóng cửa tuần giao dịch 15 – 19/4 tại 1.174,85 điểm, giảm 101,75 điểm tương đương 7,97% so với tuần trước đó. Thống kê cho thấy đây là mức giảm theo tuần mạnh nhất về điểm số kể từ giữa tháng 5/2022.
Thị trường giảm điểm rất mạnh trong tuần qua khi không giữ được vùng giá hỗ trợ giá cao nhất năm 2023, tương ứng quanh 1.250 điểm, đồng thời kết thúc xu hướng tăng kéo dài trong 5 tháng qua khiến cho tâm lý nhà đâu tư trở nên kém tích cực hơn, cùng đó là các tin tức tiêu cực từ tình hình thế giới.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả 3 sàn đạt 30.072 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 27.554 tỷ đồng, tăng 50,3% so với tuần trước và 8,5% so với trung bình 5 phiên gần đây.
Xét theo ngành, giá trị giao dịch tăng ở phần lớn các ngành chủ chốt, trong đó tăng mạnh nhất ở các nhóm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thép, xây dựng, hóa chất, thực phẩm, dầu khí, công nghệ thông tin. Với trạng thái tiêu cực của thị trường, chỉ số giá của các ngành này đồng loạt giảm, đồng thời số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo trên thị trường.
Trong tuần VN-Index bốc hơi hơn 100 điểm, nhà đầu tư cá nhân đảo chiều xả ròng 1.840 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng khớp lệnh 1.232 tỷ đồng. Hoạt động rút vốn của các cá nhân trong nước đánh dấu tuần bán ròng đầu tiên sau 11 tuần giải ngân liên tục.
Xét theo nhóm ngành, có 13/18 nhóm cổ phiếu bị rút ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu dịch vụ tài chính với giá trị hơn 459 tỷ đồng. Xếp vị trí thứ 2 trong top bán ròng là cổ phiếu ngành hàng & dịch vụ công nghiệp với gần 441 tỷ đồng.
Cùng chiều, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 406 tỷ đồng ở nhóm bán lẻ, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như tài nguyên cơ bản (299 tỷ đồng), công nghệ thông tin (162 tỷ đồng), hóa chất (124 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (104 tỷ đồng).
Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản tiếp tục dẫn đầu danh mục giải ngân với hơn 677 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền cá nhân cũng tìm đến cổ phiếu ngành ngân hàng (275 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (36 tỷ đồng), bảo hiểm (24 tỷ đồng).
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động với 367 tỷ đồng. Dưới sức ép bán ròng và bối cảnh chung của thị trường, thị giá mã này chứng kiến mức giảm từ 52.000 đồng/cp về 48.200 đồng/cp, tương đương sụt hơn 9,3% một tuần.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo MWG đề ra mục tiêu 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế; tăng 6% về doanh thu và gấp 14,2 lần lợi nhuận năm 2023.
Kế đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình cũng nằm trong danh mục rút ròng như HPG (324 tỷ đồng), MBB (228 tỷ đồng), SSI (218 tỷ đồng), FPT (175 tỷ đồng), TCB (167 tỷ đồng), ACB (155 tỷ đồng), GMD (147 tỷ đồng), DGC (141 tỷ đồng) và KDH (130 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Vinhomes tiếp tục là mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 664 tỷ đồng cổ phiếu VHM, giao dịch giải ngân của nhóm này góp phần cân lại lệnh bán ròng từ phía NĐT ngoại.
Cùng thuộc “họ Vin”, cổ phiếu VRE và VIC được gom ròng với giá trị lần lượt là 258 tỷ đồng và 181 tỷ đồng. Hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các cổ phiếu STB, CTG, SHB, LPB, TPB, MSN với quy mô hơn 100 tỷ đồng.