Chứng khoán

NĐT cá nhân bán ròng gần 500 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 5, tập trung chốt lời FPT nhưng mua ròng gần 1.300 tỷ đồng mã DIG đối ứng với tổ chức nội

Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục chứng những phiên giảm điểm mạnh trong tháng 5, đặc biệt VN-Index giảm hơn 10% trong 3 phiên liên tiếp (13 - 16/5). Tâm lý giao dịch trở nên bi quan quá mức khi VN-Index về mốc 1.171,95 điểm tuy nhiên sau đó thị trường đã hồi phục trở lại và tích cực vào giai đoạn cuối tháng.

Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 770 triệu USD/phiên giảm 31,93% so với tháng 4. Thanh khoản tháng 5 tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh thị trường giảm sâu, tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường và không có nhiều thông tin hỗ trợ.

HNX-Index có phần tiêu cực hơn khi nhịp hồi phục xuất hiện ở cuối tháng. Đóng cửa phiên cuối tháng chỉ số sàn này giảm 13,69%.

Áp lực chỉnh sâu khiến 8/11 ngành cấp 1 giảm điểm. Theo báo cáo của Chứng khoán BIDV (BSC), nguyên vật liệu, viễn thông, ngân hàng là 3 ngành giảm mạnh nhất, lần lượt mất đi 13,4%, 9,48% và 7,05% so với tháng 4. Chiều ngược lại thì họ dầu khí, công nghệ thông tin có diễn biến khởi sắc với tỷ lệ tăng tương ứng là 9,09% và 2,93%.

Khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi quay trở lại mua ròng trong bối cảnh thị trường giảm điểm sâu. Giá trị mua ròng trong tháng 5 đạt 3.186 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng 4. Trong khi đó, NĐT cá nhân tiếp tục bán ròng 487 tỷ đồng trên HOSE, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 370 tỷ đồng.

Duy trì lực cầu tại nhóm tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính, trở lại mua ròng nhóm BĐS

Xét giao dịch theo từng nhóm ngành, xu hướng bán ròng chiếm ưu thế khi nhà đầu tư cá nhân bán ròng tại 11/18 nhóm ngành. Trong đó, NĐT cá nhân chuyển hướng bán ròng đột biến 1.157 tỷ đồng cổ phiếu ngành hóa chất.

Nối tiếp, lực xả với quy mô hàng trăm tỷ đồng của các cá nhân nội còn tìm đến ngành công nghệ thông tin (818 tỷ đồng), bán lẻ (700 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (456 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (297 tỷ đồng).

 

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc bất ngờ trở thành nhóm thu hút phần lớn lực cầu trong tháng 5 với giá trị áp đảo 1.988 tỷ đồng, gần như tương đương quy mô rót vốn trong tháng. Trong đó, nhóm bất động sản nhìn chung diễn biến kém sắc với chỉ số giá ngành giảm 5,2%, chỉ số dòng tiền so với thanh khoản chung của toàn thị trường cũng giảm từ 21,32% còn 20,17%.

Kế tiếp, lực cầu cá nhân cũng duy trì ở nhóm tài nguyên cơ bản với đại diện là nhóm thép. Cụ thể, các cổ phiếu tài nguyên cơ bản được gom ròng với giá trị 1.072 tỷ đồng, gấp 4 lần tháng trước đó.

Từ nhóm được gom ròng mạnh nhất trong tháng 4, quy mô giải ngân tiếp tục tăng trong nhóm dịch vụ tài chính, lên 1.013 tỷ đồng trong tháng 5.

Lực mua cũng phân bổ tại nhiều nhóm như du lịch & giải trí (297 tỷ đồng), dầu khí (155 tỷ đồng), truyền thông (12 tỷ đồng).

Tâm điểm mua ròng DIG đối ứng với các tổ chức trong nước

Nổi bật tại chiều mua ròng là giao dịch tại cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Mã này được mua ròng 1.293,7 tỷ đồng, trái ngược với lực xả 1.316 tỷ đồng từ tổ chức trong nước. Giao dịch đối ứng này đặt nghi vấn về việc Him Lam tiếp tục xả cổ phiếu DIG trên sàn.

Nối tiếp, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được mua ròng 917,7 tỷ đồng.  Cũng tại chiều mua, lực cầu được ghi nhận tại loạt bluechips như STB (867,7 tỷ đồng), SSI (822,4 tỷ đồng), VIC (486,4 tỷ đồng), NVL (289,6 tỷ đồng) và VJC (272,6 tỷ đồng).

Mới đây, theo công bố thông tin của Chứng khoán SSI, công ty vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận tăng vốn thông qua phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán là 15.000 đồng/cp, bằng nửa thị giá trên sàn.

Tại giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chứng khoán SSI được phát hành gần 497,4 triệu cp cho cổ đông hiện hữu trong vòng 90 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực.

Trở lại với giao dịch của các cá nhân trong nước, lực cầu được ghi nhận tại các mã DXG (257,7 tỷ đồng), VND (238,7 tỷ đồng) và NKG (215,8 tỷ đồng).

 

 

Top 10 mã được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều giao dịch ngược lại, FPT của Sacombank dẫn đầu danh mục bán ròng với 813,8 tỷ đồng. Theo sau, MWG của Thế Giới Di Động bị xả ròng 582,8 tỷ đồng. Giao dịch ngược chiều với các cá nhân, đây là cổ phiếu được tổ chức nội và bộ phận tự doanh tích cực gom mua.

Phía mua ròng còn có sự góp mặt của các đại diện ngành hóa chất như DPM (498,7 tỷ đồng), DCM (350,6 tỷ đồng) và DGC (312 tỷ đồng). Cùng chiều, lực mua với giá trị dưới 500 tỷ đồng phân bổ tại các cổ phiếu  CTG, NLG, MBB, PNJ, VPB.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm