Mặt trời và các hành tinh quay xung quanh. Sao Thiên Vương là hành tinh thứ 7 tính từ Mặt trời - Ảnh: NASA
Theo báo The Guardian (Anh), Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo kêu gọi NASA phóng tàu thăm dò lên sao Thiên Vương kể từ sau lần đầu tiên con người đặt chân trên hành tinh bí ẩn nhất Hệ Mặt trời này vào năm 1986.
Đây được xem là sứ mệnh trọng tâm của NASA vào thập kỷ tới trong một nỗ lực giải đáp các bí ẩn xung quanh quá trình hình thành và cấu tạo địa chất của sao Thiên Vương.
Sao Thiên Vương - hành tinh lạnh nhất trong Hệ Mặt trời - Ảnh: NASA
“Chúng tôi ủng hộ việc sứ mệnh chinh phục sao Thiên Vương phải được bắt đầu ngay lập tức. Nếu phóng lên tên lửa Falcon Heavy vào năm 2031 hoặc 2032, tàu quỹ đạo có thể nhận được lực hấp dẫn từ sao Mộc và đến nơi sau 13 năm. Tuy nhiên, sao Thiên Vương sẽ mất nhiều thời gian hơn”, bà Robin Canup, nhà vật lý thiên văn tại Viện Nghiên cứu Tây Nam (Hoa Kỳ), đồng tác giả báo cáo, chia sẻ.
Tàu vũ trụ Falcon Heavy dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo để bắt đầu hành trình khám phá sao Thiên Vương vào thập kỷ tới - Ảnh: NASA
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sao Thiên Vương là một thế giới vô cùng bí ẩn. Trong khi các hành tinh còn lại trong Hệ Mặt trời quay với độ nghiêng khá thấp, trục tự quay của sao Thiên Vương lại nghiêng đến 97,77 độ, tức gần song song với mặt phẳng quỹ đạo trong Hệ Mặt trời.
Bất chấp những điều kỳ lạ về mặt thiên văn này, hành trình khám phá của con người để đến gần hơn với sao Thiên Vương vẫn còn bế tắc. Theo NASA, tàu du hành Voyager 2 của Hoa Kỳ là “nhân chứng” duy nhất đặt chân đến sao Thiên Vương vào năm 1986.
Bề mặt tại sao Thiên Vương được ghi lại bởi tàu vũ trụ Voyager 2 của NASA vào năm 1986 - Ảnh: NASA
Theo mô tả của báo The Guardian, đây là một thế giới vô cùng rộng lớn, có nhiều điều bí ẩn với đặc trưng là màu xanh nhạt của bầu khí quyển. Trong đó, bầu khí quyển của sao Thiên Vương chứa lượng lớn khí hydro, heli và metan.
“Đó là một tin tức cực kỳ thú vị. Trong Hệ Mặt trời, hầu hết những bí ẩn đã được giải mã, ngoại trừ sao Thiên Vương. Sao Mộc, sao Thổ và thậm chí sao Diêm Vương xa xôi đã được khám phá. Vì vậy, một sứ mệnh chinh phục sao Thiên Vương sẽ lấp đầy một khoảng trống trong kiến thức của con người về các quá trình hình thành nên Hệ Mặt trời”, giáo sư Leigh Fletcher - Đại học Leicester (Vương quốc Anh) - chia sẻ với báo Guardian.
Trang tin Science.org cho biết tàu vũ trụ Cassini của NASA đã phát hiện thấy những vệt nước mặn phun ra từ các vết nứt trên bề mặt băng giá của sao Thiên Vương vào năm 2005.
Tàu vũ trụ Cassini của NASA trong một sứ mệnh khám phá không gian - Ảnh: NASA
Hai hành tinh này được ví như những “khối băng khổng lồ” vì chúng có khối lượng nước rất lớn và được hình thành từ các nguyên liệu từ băng giá. Tuy nhiên, sao Thiên Vương và sao Hải Vương lại có rất nhiều bản sao khác trong Hệ Mặt trời.
“Khi nhìn vào các hành tinh xung quanh khác trong Hệ Mặt trời, chúng tôi nhận thấy rất nhiều hành tinh trong số đó tương tự như sao Thiên Vương và sao Hải Vương”, ông Fletcher mô tả.
Jonathan Fortney, một nhà khoa học hành tinh - Đại học California Santa Cruz (Hoa Kỳ), tiết lộ: “Tạo hóa đem lại những hành tinh có kích thước tương tự và trông khá giống nhau như thế này”.
Sao Thiên Vương (Uranus, trái) và sao Hải Vương (Neptune, phải) - Ảnh: NASA
Theo báo The Guardian, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được lý do khiến Hệ Mặt trời có nhiều hành tinh lạnh giá như sao Thiên Vương.
Giáo sư Fletcher nhận định: “Rõ ràng có điều gì đó quan trọng về các hành tinh như sao Thiên Vương và sao Hải Vương - những hành tinh phổ biến nhất trong Hệ Mặt trời. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về thành phần, bản chất và nguồn gốc của chúng vẫn còn là một bí ẩn tương đối”.
Bên cạnh việc lý giải tại sao có nhiều “bản sao” sao Thiên Vương trong Hệ Mặt trời, một loạt câu hỏi vẫn đang được chờ giải đáp như “Tại sao hành tinh này lại lạnh như vậy?”, “Tại sao trục quay của nó lại nghiêng sang một bên?”.
“Một giả thuyết cho rằng một vật thể rất lớn, có lẽ là một tiểu hành tinh khổng lồ đã va vào sao Thiên Vương. Điều đó khiến quá trình hình thành nên sao Thiên Vương không còn giữ được nhiệt độ thích hợp, biến nó trở thành hành tinh lạnh nhất trong Hệ Mặt trời”, nhà vật lý học Patrick Irwin - Đại học Oxford (Vương quốc Anh), nhận định với báo Guardian.