Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) từng là bá chủ thế giới một thời với nhiều chiến tích vang danh khắp bốn bề. Đế chế này đã sản sinh ra nhiều con người ưu tú và xuất chúng, trong đó, không thể không nhắc đến Niloufer, nàng công chúa xinh đẹp nhất nhì thế giới. Cuộc đời của Công chúa Niloufer giống như một bản nhạc trầm buồn với nhiều trắc trở, gian truân nhưng lại đặc biệt và ý nghĩa.
"Hạ gục" Hoàng tử Ấn Độ từ cái nhìn đầu tiên
Niloufer Farhat Begum Sahiba là một trong những công chúa cuối cùng của đế chế Ottoman. Bà chào đời ngày 4/1/1916 tại Cung điện Goztepe ở Istanbul đúng vào thời điểm gia đình nhà ngoại đang cai trị đế chế Ottoman và cha bà là một thành viên nổi bật của triều đình. Vào tháng 12/1918, khi mới 2 tuổi, Niloufer đột ngột mất đi người cha thân thương.
Vài năm sau, vương triều của bà cũng đã suy yếu. Công chúa Niloufer và mẹ tới định cư tại thành phố Nice, Pháp để sống một cuộc đời bình yên hơn. Năm 1931, khi Công chúa Niloufer 15 tuổi, được gia đình giới thiệu làm quen với Hoàng tử Ấn Độ Moazzam Jah - một người hơn bà 9 tuổi để kết duyên đôi lứa.
Công chúa Niloufer sở hữu nhan sắc kiều diễm.
Vào thời điểm đó, Niloufer sở hữu nhan sắc kiều diễm, rung động lòng người đến mức Moazzam Jah đã yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hoàng tử Ấn Độ không muốn cưới ai khác và nhất quyết đòi kết hôn với Niloufer. Vào ngày 12/11/1931, Niloufer kết hôn với Moazzam Jah tại Villa Carabacel ở Nice, Pháp.
Hôn lễ xa hoa của cặp đôi đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông và dư luận lúc bấy giờ. Những bức hình về hôn lễ đình đám này được báo chí ví như truyện cổ tích "Nghìn lẻ một đêm". Sau nghi lễ tôn giáo, cặp đôi đã đến lãnh sự quán để hoàn tất thủ tục kết hôn đồng thời xác nhận thỏa thuận tiền hôn nhân của họ. Theo đó, trong trường hợp người chồng ly hôn hoặc qua đời, Niloufer sẽ nhận được 75.000 USD (1,7 tỷ đồng) tiền bồi thường.
Sau hôn lễ xa hoa tại Nice, Công chúa Niloufer theo chồng trở về quê hương của ông ở Hyderabad, Ấn Độ. Trên đường di chuyển, Niloufer đã được dạy cách ăn mặc theo truyền thống của nhà chồng và các nghi thức dành riêng cho thành viên trong hoàng gia. Niloufer tới Ấn Độ cùng mẹ và một nữ hộ sinh gốc Pháp, người được lựa chọn để giúp đỡ Công chúa Niloufer khi bà mang thai trong tương lai.
Niloufer kết hôn với Hoàng tử Ấn Độ.
Đằng sau vẻ kiều diễm là nỗi khổ "không thể có con"
Khi Công chúa đến Hyderabad, họ được gia đình hoàng gia chào đón bằng buổi tiệc rất xa hoa. Sau đó, vợ chồng Công chúa Niloufer và Hoàng tử Mouzzam Jah sống trong tòa nhà Hill Fort tại Naubhat Pahad, Telangana, Ấn Độ. Năm tháng dần trôi, ngỡ rằng sẽ có cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng thực tế mới phũ phàng làm sao, Công chúa Niloufer mãi không hoài thai.
Tình yêu nồng nhiệt của Hoàng tử Mouzzam Jah dành cho người vợ xinh đẹp ngày một lắng xuống. Bề ngoài, Công chúa Niloufer vẫn giữ thái độ bình thản, tiếp tục cuộc hôn nhân hào nhoáng nhưng bên trong bà rất đau khổ dằn vặt và khao khát có một đứa con. Công chúa đã tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ nhưng đều không đạt được kết quả gì.
Mặc dù không thể sinh con nhưng nhan sắc hoàn mỹ của Công chúa Niloufer vẫn được dân chúng ngợi ca và trong thập niên 30 - thập niên 50, bà đã trở thành một biểu tượng thời trang đích thực. Niloufer được mời tham gia nhiều sự kiện và thậm chí còn nhận được một số lời mời đóng phim từ Hollywood. Tuy nhiên, bà đã lịch sự từ chối tất cả các lời mời ấy.
Cuộc hôn nhân của Niloufer với Hoàng tử Ấn Độ lạnh nhạt dần vì bà không thể mang thai.
Bên cạnh đó, Công chúa Niloufer cũng thường được mời chụp hình cho một số tạp chí thời trang danh tiếng và được bình chọn là người đẹp nhất thế giới. Vào thời điểm đó, Niloufer gây ấn tượng mạnh mẽ với gu thời trang đỉnh cao. Khi ở Ấn Độ, Niloufer luôn mặc trang phục truyền thống còn khi đi du lịch, bà mặc quần áo kiểu châu Âu thời thượng.
Các nhiếp ảnh gia cùng báo giới đều yêu thích vẻ đẹp sang trọng và duyên dáng của Công chúa Niloufer. Những bộ trang phục truyền thống Ấn Độ đặc biệt mà bà Niloufer từng mặc hiện vẫn được các sinh viên thời trang trên toàn cầu nghiên cứu, tìm hiểu. Hiện bộ sưu tập trang phục mà bà từng sử dụng đang được trưng bày tại Học viện công nghệ thời trang New York, Mỹ.
Quyết định mang tính lịch sử
Trong khoảng thời gian tìm cách để thụ thai, Công chúa Niloufer đã chứng kiến một trường hợp khiến bà có quyết định làm thay đổi lịch sử. Đó là một trong những người giúp việc của bà đã qua đời sau khi sinh con vì thiếu cơ sở vật chất y tế vào năm 1949.
Trường hợp thương tâm này đã khiến Công chúa Niloufer rất đau lòng, bà đã cầu xin, cố gắng thuyết phục bố chồng cho thành lập một bệnh viện chuyên khoa dành riêng cho phụ nữ và trẻ em. Bệnh viện này đặt được theo tên của bà là Niloufer. Tại một xã hội vẫn còn trọng nam khinh nữ, việc có một bệnh viện dành riêng cho phái yếu là sự thay đổi ngoạn mục. Cháu trai của công chúa là Himayat Ali Mirza thường ủng hộ thực phẩm, tiền mặt cho các bệnh nhân và gia đình đến bệnh viện.
Sống trong cuộc hôn nhân ngày càng lạnh nhạt với nỗi niềm không thể có con, Công chúa Niloufer đã tìm cách quên đi bằng việc hăng say tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện. Bà thường xuyên rời khỏi Cung điện để tham dự các buổi giao lưu với công chúng và góp mặt trong những sự kiện văn hóa giải trí. Bà Niloufer được coi là người tiên phong cho sự tiến bộ của phụ nữ tại Ấn Độ. Vẻ đẹp và cuộc sống năng động của bà giúp Niloufer trở thành thần tượng của rất nhiều phụ nữ trên khắp thế giới.
Công chúa Niloufer được dân chúng yêu mến bởi bà đã làm thay đổi lịch sử, đem đến sự tiến bộ cho phụ nữ Ấn Độ.
Tuy nhiên, lối sống xa hoa và hình ảnh quyến rũ của Niloufer chỉ là bức bình phong giúp bà che giấu nỗi khao khát có con và cuộc sống hôn nhân không thật sự hạnh phúc. Năm 1948, Hoàng tử Moazzam Jah kết hôn với người vợ thứ hai, người này nhanh chóng sinh cho ông ba cô con gái. Hôn nhân giữa Moazzam Jah và Niloufer ngày càng trở nên bế tắc, cả hai không còn dành tình cảm cho nhau và cuối cùng họ ly hôn vào năm 1952.
Sau khi ly dị chồng, Niloufer trở về Pháp sống cùng mẹ. Ở tuổi 36, bà vẫn mang vẻ đẹp lộng lẫy, tiếp tục thu hút sự chú ý của báo giới. Vào ngày 21/2/1963, ở tuổi 47, Niloufer tái hôn với Edward Julius Pope Jr. tại Paris, Pháp. Người chồng thứ hai kém bà 3 tuổi. Ông là một nhà ngoại giao, doanh nhân, nhà biên kịch và nhà sản xuất phim.
Ông Edward từng dự định làm một bộ phim về cuộc đời của vợ mình. Công chúa Niloufer trải qua cuộc sống êm đềm cùng người chồng thứ hai và cặp đôi cũng không có con. Bà qua đời tại Paris, Pháp vào ngày 12/6/1989, hưởng thọ 73 tuổi. Bà được chôn cất tại nghĩa trang Bobigny ở Pháp.
Những di sản bà Niloufer để lại cho đời vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Sau khi công chúa qua đời, ông Edward rời Pháp trở về Mỹ. Tại đây, ông kết hôn với người bạn học thời thơ ấu của mình là Evelyn Maddox Pope vào năm 1990 và Edward qua đời 5 năm sau đó. Sau sự ra đi của ông Edward, di sản của Công chúa Niloufer được người vợ thứ hai của chồng bà là Evelyn tôn vinh, tiếp tục bảo tồn thông qua các hoạt động quyên góp và triển lãm cho đến ngày nay.
Nguồn: Homegrown