Kỹ năng sống

Nam sinh trường Ams chinh phục học bổng gần 5 tỷ đồng tại Đại học Mỹ: Đưa ý tưởng áp dụng CÔNG NGHỆ CAO vào giáo dục khiến 2 giáo sư Mỹ ngỡ ngàng

Vừa qua, em Phạm Tuấn Nhật Minh, sinh sống tại Hà Nội, học sinh lớp 12 chuyên Anh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã dành được suất học bổng trị giá đến 80%, tương đương gần 5 tỷ đồng/4 năm học tại trường Đại học Michigan State (Michigan State University). Được biết, đây là ngôi trường công lập hàng đầu nước Mỹ, đào tạo ra nhiều cử nhân ưu tú. Nhật Minh theo chuyên ngành Khoa học máy tính – một ngành nghề em yêu thích từ nhỏ.

CHUẨN BỊ DU HỌC TỪ NĂM LỚP 10, ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA KHIẾN ĐÔI LÚC… NGHẸT THỞ

Ngay từ năm lớp 10, Nhật Minh đặt ra mục tiêu cho mình phải đi du học bên Mỹ để phát triển con đường học tập cũng như có tương lai tươi sáng. Gia đình em cũng có nhiều người ra nước ngoài học Đại học. Trước đây, ông ngoại Nhật Minh từng du học tại nước Nga (Liên Xô cũ) rồi đến các bác cũng vậy. Điều này càng hun đúc sự quyết tâm nam sinh.

Thêm vào đó, Nhật Minh học lớp chuyên Anh – lớp học mà đa số các bạn đều xác định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ sang Mỹ và các nước châu Âu học tập. Lớp của em có 29 bạn nhưng chỉ có 4 bạn học Đại học trong nước. Trước những yếu tố tác động như vậy, Nhật Minh đã sớm chuẩn bị hồ sơ để "apply" (ứng tuyển) vào các trường Đại học danh giá ở nước ngoài.

Nam sinh trường Ams chinh phục học bổng gần 5 tỷ đồng tại Đại học Mỹ: Đưa ý tưởng áp dụng CÔNG NGHỆ CAO vào giáo dục khiến 2 giáo sư Mỹ ngỡ ngàng - Ảnh 1.

Chân dung nam sinh Phạm Tuấn Nhật Minh.

Vì đặt mục tiêu từ sớm, ngay từ lớp 10, Nhật Minh đã chăm chỉ học tập để có điểm GPA cao, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa làm dày thêm thành tích cho bản thân. Sang năm lớp 11, em nỗ lực hoàn thành các bài thi chuẩn hóa với điểm số "chất lượng". Và kết quả của em khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.

Nam sinh Hà Nội đạt Giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp thành phố năm lớp 12, điểm SAT 1580/1600 (lọp top 1% người cao điểm nhất thế giới), IELTS 8.0, GPA: 9,7.

Nói về quyết định lựa chọn Mỹ thay vì các nước châu Âu để du học, Nhật Minh chia sẻ: "Dù Mỹ có chi phí học tập đắt đỏ nhưng đất nước này thường trao nhiều suất học bổng giá trị cao, mở ra cơ hội cho sinh viên quốc tế tiếp cận nền giáo dục hiện đại bậc nhất thế giới. Trước đấy, gia đình em cũng cân nhắc nhiều quốc gia khác như: Singapore, Canada, Đức, Pháp,… nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn Mỹ. Thêm nữa, điều kiện tài chính gia đình em không phải khá giả nên không thể đóng toàn bộ học phí nếu không có học bổng".

Nam sinh đã "apply" tất cả 20 trường gồm 2 đợt. Trong đợt đầu tiên, Michigan State University chỉ cho em suất học bổng giá trị thấp, em tiếp tục nộp các trường khác nhằm tìm kiếm cơ hội mới. Đợt 2, Nhật Minh "apply" vào 13 trường và trượt liên tiếp.

"Đã có lúc, em rơi vào trạng thái hoang mang, stress vì áp lực đồng trang lứa. Nhận tin trượt liên tiếp khiến em cảm thấy khủng hoảng. Lớp em toàn những bạn có học lực rất giỏi, dù không ai thừa nhận nhưng đây là điều mà ai ai cũng biết. Vì vậy, đôi lúc em cảm thấy áp lực muốn nghẹt thở. Các bạn đều đỗ học bổng cao còn mình thì toạch liên tục. May mắn là bố mẹ em khá tâm lý, không phán xét nên giúp em sớm hồi phục tinh thần để tiếp tục cuộc chiến", Nhật Minh cho biết.

Vài tháng sau, Michigan State University gửi email hỏi em có muốn phỏng vấn để xét thêm mức học bổng. Nam sinh lập tức nhận lời tham gia và đạt được mức học bổng cao hơn so với con số ban đầu. Trong số 8 trường trúng tuyển, Michigan State University có thế mạnh về Khoa học máy tính cao nhất. Nam sinh dành nhiều thời gian tham khảo các nguồn trên mạng và thấy chất lượng giáo dục của trường khá "ổn áp".

Nam sinh trường Ams chinh phục học bổng gần 5 tỷ đồng tại Đại học Mỹ: Đưa ý tưởng áp dụng CÔNG NGHỆ CAO vào giáo dục khiến 2 giáo sư Mỹ ngỡ ngàng - Ảnh 2.

Dù từng trượt nhiều trường Đại học bên Mỹ nhưng mẹ là người luôn ở bên động viên, không bao giờ gây áp lực cho Nhật Minh.

Điều đặc biệt, trong 2 năm đầu, em được làm trợ lý giáo sư với mức lương 3000 – 6000 USD/năm (70 – 140 triệu đồng/năm). Trong mail thông báo rõ chỉ có 200 sinh viên trong mấy nghìn sinh viên nhập học có được công việc này. Điều này khiến Nhật Minh cảm thấy vô cùng hạnh phúc và hãnh diện.

Nhật Minh chia sẻ thêm, gia đình và bản thân em không quan trọng thứ hạng của trường, quan trọng nhất là mức học bổng và tiếng vang của chuyên ngành so với tiếng vang của trường. "Trường em có nhiều ngành học mạnh nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ngành yếu thế hơn. Vì vậy, RANK (xếp hạng) sẽ thấp đi. Tuy nhiên, xét chi tiết thì Khoa học máy tính là chuyên ngành đào tạo chất lượng cao của trường. Vì thế, em cảm thấy không có vấn đề gì", nam sinh hồ hởi nói.

LÀM ĐẸP HỒ SƠ BẰNG DỰ ÁN NGOẠI KHÓA XỊN XÒ, NGHE BÍ KÍP ÔN SAT VÀ BÀI VIẾT LUẬN MÀ… NỂ VÀI PHẦN

Vì sớm có mục tiêu rõ ràng nên ngay từ năm lớp 10, Nhật Minh đã tập trung học tập để đạt điểm số cao. Ngoài ra, em cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Em là thành viên cốt cán trong câu lạc bộ (CLB) Lãnh đạo của trường. Bên cạnh đó, em đứng ra thành lập CLB giúp đỡ bệnh nhi ung thư ở viện Huyết học truyền máu trung ương. CLB mang tên Gruide Project, gồm 40 thành viên. Công việc đầu tiên là gây quỹ bằng việc bán các đồ handmade như: Dây chun buộc tóc, bánh ngọt, trà sữa,…. CLB triển khai trong 3 tháng, phạm vi hoạt động tại Hà Nội và thu được số tiền gần 8 triệu đồng.

Tiếp đến, Nhật Minh cùng các thành viên liên hệ với bệnh viện để tổ chức các buổi giao lưu cho các bệnh nhi như: Hướng dẫn gấp giấy, chơi trò chơi dân gian, phát quà vào dịp lễ Tết,… Ngoài ra, em liên hệ với người đại diện bệnh viện để mua trang thiết bị trong phòng cộng đồng như: Bàn ghế, giá sách,… giúp các em nhỏ có cơ sở vật chất đầy đủ hơn.

Thời gian là hoạt động thiện nguyện tại bệnh viện giúp Nhật Minh có thêm nhiều kỷ niệm xúc động cùng bài học đắt giá. Em ấn tượng nhất về một bạn nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc, đang học lớp 8. Không như các em nhỏ chưa có nhận thức rõ ràng, bạn nữ này đã có cho mình những dự định tương lai.

Nam sinh trường Ams chinh phục học bổng gần 5 tỷ đồng tại Đại học Mỹ: Đưa ý tưởng áp dụng CÔNG NGHỆ CAO vào giáo dục khiến 2 giáo sư Mỹ ngỡ ngàng - Ảnh 3.

Không chỉ sở hữu thành tích học tập "khủng", Nhật Minh còn là chàng trai có trái tim nhân ái với nhiều hoạt động thiết thực.

Nam sinh Hà Nội xúc động chia sẻ: "Bạn ấy ước mơ thi đỗ vào trường THPT chuyên Sư Phạm nhưng khi nhận tin mắc ung thư thì suy sụp tinh thần hoàn toàn. Em đã động viên rằng, cuộc chiến chống bệnh tật còn dai dẳng và học cấp 3 tại trường chuyên không phải là con đường duy nhất cho tương lai. Việc trước mắt là tập trung điều trị bệnh, cố gắng mở lòng giao lưu với các bệnh nhân khác.

Hoạt động thiện nguyện này được em đưa vào bài viết luận. Em viết về những thay đổi tích cực của bản thân khi thực hiện dự án. Đầu tiên, em học được cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến các thành viên trong CLB.

Thứ hai, em có cơ hội nghe những tâm sự của bệnh nhân. Mỗi bạn đều có những nỗi đau riêng. Em nghĩ đây là kỹ năng vô cùng cần thiết để xây dựng và giữ gìn mối quan hệ. Thứ ba, em học được nhiều kỹ năng mềm khác như: Điều hành đội nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục và quy trình làm giấy tờ trong bệnh viện".

Qua bài luận, hội đồng tuyển dụng của trường đánh giá Nhật Minh rất cao bởi em có tính liên kết giữa học tập, ngoại khóa và bài luận. Họ thấy em có tư duy thống nhất, mục tiêu rõ ràng. Nhật Minh mất 5 tháng để hoàn thành bài luận. Em viết đi viết lại không biết bao nhiêu bài mới tìm được đề tài ưng ý. Để có bài luận hoàn hảo nhất, em đã nhờ sự trợ giúp của giáo viên tại Trung tâm American Study trau chuốt lại câu từ.

Sang năm lớp 11, Nhật Minh tập trung vào các bài thi chuẩn hoá là: SAT, IELTS. Em luôn cố gắng ôn luyện để đạt điểm tốt ngay từ lần đầu, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, với bài thi SAT, em phải thi 2 lần mới đạt điểm số đột phá. Lần đầu tiên, Nhật Minh chỉ được 1510 điểm, lần thứ hai em đạt số điểm lên đến 1580/1600. Còn thi chứng chỉ Tiếng Anh IELTS, ngay lần đầu em đạt 8.0 điểm.

Nhật Minh cho biết, với IELTS, do được làm quen từ sớm nên em không gặp nhiều khó khăn. Chương trình học Tiếng Anh trên lớp khó hơn IELTS rất nhiều. Em được làm quen hàng tuần, hàng tháng nên không bỡ ngỡ, không cần ôn luyện nhiều vì kiến thức nằm sẵn trong đầu.

Nhưng bài thi SAT lại gây nhiều áp lực cho Nhật Minh. Đây là bài thi chuẩn hoá hoàn toàn mới đối với học sinh Việt Nam. Bên cạnh phần thi dễ nhất là Toán thì các phần còn lại tương đối "khó nhằn". Khó nhất là phần Đọc – hiểu.

Nam sinh Hà Nội chia sẻ: "Nếu so sánh với IELTS thì phần Đọc - hiểu ở SAT khó vượt trội hẳn. Đọc IELTS có các dẫn chứng rõ ràng, còn trong SAT thì lượng câu hỏi mỗi bài đọc rất nhiều, đòi hỏi tư duy nhanh nhạy. Ngoài ra, thí sinh phải có khả năng đọc lướt, hiểu sâu.

Phần Đọc – hiểu bài thi SAT thường được trích từ văn bản nói/văn bản viết ở những năm 1800, 1900 với ngôn từ khó hiểu so với Tiếng Anh hiện đại ngày nay. Những người thời đó dùng câu từ mỹ miều, văn hoa gây khó dễ cho học sinh Việt Nam. Vì vậy, chỉ còn cách học nhiều và luyện nhiều đề giúp nâng cao kỹ năng. Không có mẹo nào áp dụng được cho phần thi này cả".

Nam sinh trường Ams chinh phục học bổng gần 5 tỷ đồng tại Đại học Mỹ: Đưa ý tưởng áp dụng CÔNG NGHỆ CAO vào giáo dục khiến 2 giáo sư Mỹ ngỡ ngàng - Ảnh 4.

Nhật Minh (thứ tư từ phải sang) cùng các bạn tham gia CLB.

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỰC ĐỈNH KHIẾN 2 GIÁO SƯ MỸ GẬT GÙ TÁN DƯƠNG

Theo nam sinh Hà Nội cho biết, những năm trước, Michigan State University không tổ chức phỏng vấn. Vì vậy, khi nhận được email mời phỏng vấn đã khiến em rất bất ngờ. Người phỏng vấn em là 2 giáo sư tại trường Đại học bên Mỹ. Một số câu hỏi mà họ đặt ra là: Giới thiệu bản thân, giới thiệu ngôi trường cấp 3 và các môn học, kể về hoạt động ngoại khóa, dự định tương lai sau khi tốt nghiệp,…

Nhật Minh đã say mê nói về ước mơ trong tương lai của em. Sau khi tốt nghiêp Đại học, em sẽ ứng dụng công nghệ cao vào nền giáo dục. Ý tưởng khởi nguồn từ việc phát hiện ra những bất cập trong đợt học online do dịch bệnh COVID-19. Nhật Minh cho rằng, kể cả khi dịch bệnh chấm dứt hoàn toàn thì học online vẫn cần được phát triển ở một mức độ nhất định, trở thành phương tồn tại song song. Màn trả lời đã khiến 2 vị giáo sư ấn tượng, dành nhiều lời khen.

Nhật Minh chia sẻ: "Bất cập lớn nhất là lớp học thiếu không khí. Nhưng điều này dễ hiểu vì học online không thể tạo không khí hứng thú bằng việc học trực tiếp. Dịch bệnh đến bất ngờ, mọi người đều rơi vào thế bị động. Nhưng khi có kinh nghiệm, chúng ta hoàn toàn có thể khiến mọi thứ trở nên tốt hơn. Em nghĩ áp dụng thực tế ảo sẽ giúp lớp học sôi động, thú vị hơn rất nhiều.

Ngoài ra, còn một nhược điểm không chỉ ở lớp học online mà còn tồn tại cả ở lớp học offline, đó sự hạn chế trong việc nắm bắt điểm mạnh và điểm yếu của học sinh. Điều này thôi thúc em nghĩ ra một phần mềm kiểm tra học sinh. Chẳng hạn như em để 10 bạn làm bài kiểm tra môn Toán. Em sẽ dùng phần mềm ghi lại thời gian làm bài, thời gian suy nghĩ mỗi câu, điểm số. Từ đó suy ra được điểm mạnh và điểm yếu từng bạn, thông báo đến giáo viên để có phương án chỉnh sửa chương trình học tối ưu cho từng người.

Mỗi người có sức học, tốc độ tiếp thu kiến thức khác nhau. Em muốn mỗi học sinh có cho mình 1 chương trình học phù hợp nhất, đương nhiên vẫn có chuẩn mực nhất định. Thông qua phần mềm, giáo viên và chính học sinh sẽ nhận thấy cần thay đổi điểm gì, phát triển thế mạnh hay khắc phục điểm yếu nào. Hiện nay, nếu tiếp tục học offline sẽ rất khó áp dụng công nghệ trên vì sĩ số mỗi lớp đông. Nhưng nếu chuyển hóa sang online thì mọi thứ dễ dàng hơn. Công nghệ sẽ giúp con người làm được những điều phi thường".

Nam sinh trường Ams chinh phục học bổng gần 5 tỷ đồng tại Đại học Mỹ: Đưa ý tưởng áp dụng CÔNG NGHỆ CAO vào giáo dục khiến 2 giáo sư Mỹ ngỡ ngàng - Ảnh 5.

Nhật Minh và các bạn lớp 12 chuyên Anh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Ngoài trình bày về dự định tương lai, Nhật Minh còn chia sẻ với 2 giáo sư về ngôi trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Đây là nơi gắn bó với em suốt 3 năm thanh xuân tươi đẹp. Và đây là trường có tỷ lệ đầu vào cạnh tranh nhất Hà Nội – thủ đô của nước Việt Nam. Em cũng giới thiệu thêm về lớp chuyên Anh là lớp có điểm chuẩn cao nhất trường để nhà tuyển dụng có cái nhìn toàn diện về môi trường học tập.

"Em muốn cho họ thấy được chương trình học cấp 3 của em rất áp lực và là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Như vậy, họ sẽ đánh giá em cao về khả năng thích nghi môi trường xã hội và môi trường học tập nếu được sang Mỹ du học", nam sinh trường Ams tâm sự.

Nhật Minh cũng chia sẻ thêm, sau khi kết thúc thời gian du học, nam sinh sẽ ở lại Mỹ 1-2 năm làm việc để tích luỹ vốn sống và kinh nghiệm. Trong thời gian đó, nam sinh muốn đi nhiều quốc gia trên thế giới để khám phá cuộc sống và con người trước khi trở về Việt Nam khởi nghiệp.

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm