Nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ chậm cập nhật đủ luồng thông tin trên mạng khiến đầu óc ta rối bời - Ảnh minh họa: iStock
Nhiều người sợ bị bỏ rơi, sợ cảm giác đứng ngoài các hoạt động, tin tức, cơ hội, mối quan hệ... nên tìm mọi cách để hòa nhập, cập nhật, được chú ý và quan tâm.
Khi nào bạn có nỗi sợ bị bỏ rơi?
Khi bạn nói có, nhưng trái tim bạn nói không.
Khi bạn lang thang không mục đích trên Facebook và các mạng xã hội khác.
Khi bạn liên tục kiểm tra điện thoại.
Khi bạn ngủ ít đi.
Khi bạn giảm bớt các hoạt động chăm sóc bản thân.
Khi bạn đề cao sự tiện lợi hơn chất lượng.
Khi bạn bất an vì bỏ lỡ chuyện nào đó.
Khi bạn kiệt sức vì thử cố làm mọi thứ.
Bạn phải làm gì để chữa lành nỗi sợ hãi này?
Hãy sống hết mình với thực tại. Bạn sẽ không nuối tiếc quá khứ, không sợ tương lai. Bạn chú ý tới mọi thứ và mọi người xung quanh ở hiện tại.
Tất cả những điều nhỏ xíu tạo thành thời khắc trước mắt sẽ làm nên cuộc đời viên mãn của bạn.
Từ từ, cơ thể, trái tim và tâm hồn bạn cũng biến đổi theo.
5 biện pháp sau đây sẽ giúp bạn sống hết mình ở thực tại, xóa nỗi sợ bị bỏ rơi
1. Đừng gặp chuyện gì cũng coi nó là khẩn cấp
Với đa số trường hợp, bạn nên chọn cách phản ứng từ từ, cân nhắc kỹ càng. Hãy tách rời yếu tố kịch tính và căng thẳng khỏi vấn đề.
Bạn sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình hình thực tế, chứ không phải vì sợ này sợ kia.
2. Tắt điện thoại.
Bạn mở điện thoại 24/7 để người khác liên hệ và phòng trường hợp khẩn cấp, và rồi bạn biến mọi chuyện thành khẩn cấp.
Bạn cứ ngóng trông những dòng thông báo trên điện thoại, chờ một thông tin mới. Bạn sống đấy, nhưng tâm trí phân tán, mơ màng, không chú ý tới chuyện thực sự quan trọng ở thời điểm trước mắt.
Thế rồi, bạn bỏ qua những người mình yêu thương nhất, có những quyết định dở hơi và tâm tính căng thẳng trong khi lẽ ra bạn phải cảm thấy an yên.
Hãy đặt ra giới hạn cho chiếc điện thoại của bạn. Ví dụ, mỗi ngày bạn chỉ cho phép mình chủ động kiểm tra điện thoại hai lần.
3. Câu thần chú "Tuyệt vời"
Bí kíp là đây: Nếu bạn không thốt lên "Tuyệt vời!" về một chuyện nào đó thì bạn hãy từ chối chuyện đó.
Khi bạn không cảm thấy quá hào hứng, quá nhiệt tình, bạn không cần cố gắng nhận lời.
Thế là bạn lại có thêm thời gian trống để tham dự vào những chuyện tuyệt vời thực sự.
4. Tạo cho mình giờ ra chơi
Giờ ra chơi là thời gian giải lao giữa giờ ở trường học. Đó là lúc để nghỉ ngơi, chơi đùa, không phải lo lắng về ngày mai hay ngày hôm qua.
Bạn không quan tâm bộ dạng mình ra sao hay người khác nghĩ gì về bạn. Bạn thoải mái nô đùa, nhảy dây, chơi trốn tìm và cười to.
Nếu bạn muốn sống với hiện thực, hãy tạo ra "giờ ra chơi" cho mình. Bạn có thể đi dạo, hát hò, vẽ tranh, leo núi. Bất cứ việc gì bạn muốn làm.
5. Chọn chất lượng thay vì số lượng
Bạn thích thử qua loa 100 việc trong danh sách "những việc muốn làm", hay bạn muốn thực sự trải nghiệm vài chuyện thôi?
Bạn có thể thử mỗi thứ một chút.
Hoặc bạn chọn ra vài chuyện quan trọng nhất: chọn một trải nghiệm lớn, chọn tình yêu đích thực. Chọn ít đi, nhưng được nhiều hơn.
Lựa chọn thuộc về bạn.
Khi bạn đã thành thạo năm điều trên, bạn sẽ biến nỗi sợ bị bỏ rơi thành niềm vui đứng ngoài cuộc.
Bạn thấy vui vì bạn biết lựa chọn, vui vì bạn bảo vệ điều quan trọng nhất, và vui vì bạn đang sống trọn vẹn với hiện tại.