Theo Bloomberg, các quan chức thuộc Bộ thương mại Mỹ đang vận động chính phủ Hà Lan ngăn cản công ty ASML trong việc bán cho Trung Quốc công nghệ chủ đạo và thiết yếu cho sản xuất chip, chủ yếu là hệ thống in thạch bản cực tím DUV đời cũ. Đây được xem là nỗ lực mới của Washington nhằm kìm hãm tham vọng tự chủ ngành bán dẫn mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
ASML, công ty Hà Lan thành lập năm 1984, hiện là đơn vị duy nhất cung cấp cỗ máy quang khắc tối tân cho các công ty chế tạo chip lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia thường ví ASML như điểm nghẽn cổ chai, bởi họ chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với dòng máy quang khắc DUV.
DUV không phải là công nghệ in chip hàng đầu, thay vào đó là công nghệ in thạch bản dùng tia siêu cực tím (EUV) tiên tiến hơn, cũng do ASML sản xuất. Dù vậy, DUV được các công ty Trung Quốc ưa chuộng do nó đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chip thứ cấp cho các hệ thống ôtô, điện thoại, máy tính và thậm chí cả robot.
Nguồn tin cho biết, đề nghị được đưa ra khi Thứ trưởng Thương mại Mỹ Don Graves đến Hà Lan hồi cuối tháng 5 để bàn về các vấn đề chuỗi cung ứng. Ông Graves cũng đến thăm trụ sở ASML tại Veldhoven và gặp CEO Peter Wennink.
Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan được cho là chưa đồng ý với bất kỳ yêu cầu nào từ phía Mỹ trong việc hạn chế xuất khẩu bán dẫn của ASML sang các nhà sản xuất chip Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng, nếu đồng ý, điều này có thể làm tổn hại đến quan hệ thương mại giữa Hà Lan với Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Ngoại giao Hà Lan từ chối bình luận.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt, Trung Quốc ngày càng muốn tự chủ ở lĩnh vực bán dẫn bằng cách đổ nhiều tiền để thu hút nhân tài, cũng như xây dựng các công ty chip lớn nhỏ. Dù vậy, việc vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài khiến tham vọng này chưa thành sự thật.
Bên cạnh Hà Lan, quan chức Mỹ được cho là đã cố gắng gây áp lực để Nhật ngừng vận chuyển một số công nghệ đúc chip cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Tập đoàn Nikon của Nhật hiện cạnh tranh với ASML trong lĩnh vực in thạch bản nhúng, còn được gọi là ArFi. Theo Founder Securities, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Trung Quốc, ASML đã bán được 81 hệ thống ArFi trên toàn cầu năm 2021, vượt trội so với 4 hệ thống từ Nikon.
(theo Bloomberg)