Công nghệ

Mỹ rót hàng tỷ USD cho Intel sản xuất chip

Ngày 20/3, Nhà Trắng thông báo Intel sẽ nhận được tài trợ 8,5 tỷ USD và khoản vay lên đến 11 tỷ USD, như một phần của Đạo luật CHIPS nhằm thúc đẩy sản xuất bán dẫn tại Mỹ. Số tiền chủ yếu phục vụ hoạt động của hãng tại Arizona, bao gồm xây dựng hai nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy hiện có.

"Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ", Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu. "Giờ đây, các linh kiện bán dẫn tiên tiến nhất sẽ được sản xuất tại Mỹ".

Một số công nhân của Intel làm việc tại nhà máy ở Oregon (Mỹ). Ảnh: Intel

Một số công nhân của Intel làm việc tại nhà máy ở Oregon (Mỹ). Ảnh: Intel

Cũng theo bà Raimondo, Mỹ kỳ vọng tăng thị phần sản xuất chip tiên tiến nhất từ 0% lên 20% vào năm 2030 thông qua chương trình hỗ trợ Intel. Tuy nhiên, bà không đề cập đến khoản tiền dành cho các công ty khác cũng đang xây dựng và vận hành nhà máy bán dẫn tại Mỹ.

Năm 2022, Đạo luật CHIPS và Khoa học được Mỹ thông qua với khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD, trong đó 39 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn, 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển. New York Post đánh giá quyết định chi khoản tiền lớn cho Intel cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đặt cược lớn vào hãng này.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, mục tiêu của Đạo luật CHIPS là giảm phụ thuộc vào các quốc gia châu Á, trong bối cảnh tỷ trọng năng lực sản xuất bán dẫn toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống 12% năm 2020.

Tháng trước, Mỹ cũng trao 1,5 tỷ USD cho GlobalFoundries , nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới, hỗ trợ công ty xây dựng một nhà máy bán dẫn ở Malta, New York, cũng như mở rộng văn phòng ở Burlington. Hồi tháng 1, Bộ Thương mại Mỹ thông báo Microchip Technology sẽ nhận 162 triệu USD tài trợ của chính phủ.

Dự kiến, Samsung và TSMC cũng sẽ được trợ cấp thời gian tới. Trong số những công ty nước ngoài, TSMC - công ty gia công chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - được kỳ vọng sẽ giúp tăng vị thế của Mỹ trên biểu đồ sản xuất. Hãng Đài Loan cũng đang đầu tư 40 tỷ USD để xây hai nhà máy ở Arizona, nhưng dự án liên tục bị hoãn bởi nhiều nguyên nhân như lực lượng lao động, chính sách thúc đẩy, cũng như chờ đợi nguồn tài trợ từ Mỹ.

(theo NYPost, Reuters)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm