Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương từ năm 2017 trong quá trình thiết kế, xây dựng và phê duyệt cơ chế này. USAID cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương trong quá trình triển khai thực hiện nghị định mới ban hành .
“Tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành tới Bộ Công Thương vì sự tận tụy và nỗ lực đưa cơ chế mua bán điện trực tiếp trở thành hiện thực”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu tại sự kiện công bố Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp hôm nay (5/7).
“Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa hai nước chúng ta và cơ chế mua bán điện trực tiếp là minh chứng cho quan hệ hợp tác ngày càng sâu sắc và cam kết chung giữa hai nước vì phát triển bền vững”, Đại sứ Knapper nói.
Chính sách mới sẽ cho phép những doanh nghiệp ở Việt Nam mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo , giúp họ có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp.
Điều này giúp Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng cho hoạt động của doanh nghiệp và đạt được các mục tiêu giảm phát thải của doanh nghiệp.
Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs cho biết, cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và thúc đẩy mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai sáng kiến quan trọng này và mở rộng tiếp cận của Việt Nam đối với năng lượng sạch và tái tạo.
Mỹ là đối tác cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch, an toàn và dựa trên nguyên tắc thị trường, phù hợp với các ưu tiên chung của hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ.