Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ”, sáng 8/4, do Báo Tiền Phong tổ chức.
Dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm
Hôm 2/4 (giờ Mỹ, tức sáng 3/4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách mới về thuế quan. Theo đó, Mỹ áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu của tất cả các nước từ ngày 5/4 và áp thuế đối ứng với 60 nước kể từ ngày 9/4. Với Việt Nam, mức thuế đối ứng Mỹ công bố là 46%.
Tại tọa đàm, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết, dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất sang Mỹ hơn 16 tỷ USD/năm 2024. Chính sách thuế đối ứng của ông Trump bất ngờ và vượt xa dự báo.
![]() |
Ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam. |
Trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ sẽ giảm bởi giá cả đắt đỏ hơn, trong khi đó, kỳ vọng đàm phán của Chính phủ và những xoay chuyển của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm thiểu rủi ro.
Từ quý II năm nay, dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm. Tuy nhiên, chúng ta không quá bi quan vì lần này Mỹ đánh thuế với tất cả các nước. Theo nghiên cứu của Vinatex, lần này ít có sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng như lần đầu, bởi các nước khác cũng chịu mức thuế cao.
Ngoài khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ La Tinh, có những rào cản thấp hơn. Các khu vực này năng lực sản xuất thấp hơn, quy mô sản xuất, tay nghề nhà sản xuất, đặc biệt, mức độ ổn định về mặt xã hội, chính trị không cao. Đầu tư lượng mua hàng mất 1-2 năm mới ổn định, nếu dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia, sẽ không nhiều. Trong ngắn hạn có thể giảm giá, giảm cầu tại Mỹ.
Ngành gỗ bị "ép vào chân tường"
Thông tin từ Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam (Viforest), 5 ngày qua, doanh nghiệp gỗ sống trong những thời điểm rất “sốc”. Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ.
![]() |
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản. |
Việt Nam trong những năm gần đây là quốc gia hàng đầu chế biến, xuất khẩu gỗ chỉ sau trung Quốc. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức 119,5 tỷ USD. Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 9,1 tỷ USD, chủ yếu là hàng tinh chế và đồ nội thất, với thuế suất được hưởng chủ yếu là 0% hoặc rất thấp. Nếu từ ngày 9/4 nhiều sản phẩm gỗ sang Mỹ chịu mức thuế 46%, doanh nghiệp không còn biên độ lợi nhuận.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó chủ tịch Viforest - thừa nhận, trong kinh doanh mà "bỏ trứng vào một giỏ" là vô cùng nguy hiểm, nhưng các doanh nghiệp cho rằng việc tìm kiếm thị trường thay thế cũng không dễ.
![]() |
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang các thị trường Mỹ đạt kim ngạch trên 8,8 tỷ USD, tăng 23,9 % so với năm 2023. Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc. |
Chúng ta xuất khẩu gỗ lên tới 161 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, 5 thị trường lớn nhất, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ xuất dăm gỗ, viên nén gỗ sang Nhật Bản, viên nén gỗ sang Hàn Quốc; dăm gỗ sang Trung Quốc. Thị trường Mỹ là thị trường lớn nhất, nhóm đồ nội thất gia tăng cao nhất.
"Từ lâu nay, việc đa dạng hóa thị trường nhưng không phải dễ. Nhưng trước áp lực từ thuế đối ứng của Mỹ, nếu đoàn đàm phán không đạt thoả thuận gì ngành gỗ sẽ bị dồn vào chân tường. Đây là lúc nhìn lại chặng đường tìm lối đi mới cho ngành gỗ." - ông Ngô Sỹ Hoài khẳng định và lấy ví dụ cụ thể: "Lâu nay chúng ta xuất sang Nhật là dăm gỗ. Chúng ta có thể nghiên cứu thị hiếu người Nhật để mở rộng mặt hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp Việt cần vươn lên đi vào phân khúc cao hơn, xuất khẩu đấu thầu cả 1 cung điện, khách sạn cao cấp..."
Thủy sản muốn khơi thông các thị trường tiềm năng
Cùng chung nhóm hàng thuộc rổ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chịu tác động mạnh bởi thuế quan, ngành thủy sản cũng đứng ngồi không yên.
Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho biết: "Ngay sau khi nhận thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản như "ngồi trên đống lửa" với tâm trạng hoang mang và lo lắng".
![]() |
Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. |
Tại thời điểm ông Trump công bố áp thuế ngày 2/4, nước ta đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường đến Mỹ và các doanh nghiệp lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không.
Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46%, mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%, theo Vasep.
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng.
Chưa hết, doanh nghiệp thủy sản còn đang e ngại việc sẽ mất thị trường Mỹ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra... vì thị trường này chiếm tới 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp trong ngành.
![]() |
Gần 40.000 tấn thủy sản Việt Nam đang trên đường sang Mỹ. Ảnh: AFP. |
Theo bà Hằng, kịch bản có thể tháo gỡ hay đi theo hướng xấu nhất thì đây cũng là bài học để cho các doanh nghiệp tỉnh giấc, không thể bỏ trứng vào một giỏ. Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề,chuyển hướng thị trường phù hợp.
Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ để thị trường được khơi thông, gỡ các rào cản về kỹ thuật. Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông...
Ngoài ra, cần tạo cơ hội về xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác... tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn.