Một nghiên cứu khoa học dài hạn của Bệnh viện Brigham and Women's (Mỹ) đã chỉ ra rằng nếu áp dụng 7 thói quen sống đơn giản ở tuổi trung niên có thể giúp giảm tối đa nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ khi về già.
Các nhà khoa học của nghiên cứu cho biết sa sút trí tuệ ở một số người có thể là do gene di truyền, nhưng phần lớn nguyên nhân của chứng bệnh này là việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ trong lối sống hàng ngày. Từ đó, họ phát hiện ra những thói quen sau đây có thể giúp giảm khả năng phát triển các tình trạng sa sút trí tuệ, như bệnh Alzheimer, và nếu có càng nhiều các thói quen này, nguy cơ mắc bệnh sẽ càng giảm xuống:
1. Thường xuyên vận động
2. Có một chế độ ăn khoa học
3. Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý
4. Không hút thuốc
5. Giữ huyết áp ở mức bình thường
6. Kiểm soát được cholesterol trong máu
7. Có lượng đường trong máu thấp
Sa sút trí tuệ có thể hình thành từ rất sớm, trước khi được phát hiện
Ảnh: iStock
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 13.720 phụ nữ trung niên trong 20 năm và phát hiện ra rằng phụ nữ càng có nhiều yếu tố lối sống lành mạnh thì càng ít có khả năng mắc chứng sa sút trí tuệ.
Họ phát hiện ra rằng trong quá trình nghiên cứu, 1.771 phụ nữ bị sa sút trí tuệ, tương đương với tỷ lệ 13% số người tham gia, tức là cứ 7 người thì có 1 người bị.
Nếu có được 1 trong số 7 thói quen ở trên, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm 6% và nếu có tất cả 7 thói quen này, nguy cơ sa sút trí tuệ có thể giảm tới 42%.
PGS.TS Pamela Rist, Bệnh viện Brigham and Women's, cho biết: “Sa sút trí tuệ có thể bắt đầu hình thành ở não hàng thập kỷ trước khi được chẩn đoán. Do đó, việc tìm hiểu về mối liên hệ giữa các thói quen ở tuổi trung niên với nguy cơ mắc chứng bệnh này khi về già là điều vô cùng quan trọng”.
“Tin tốt là việc có được một lối sống lành mạnh ở tuổi trung niên có thể giúp giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ khi về già.”
Nghiên cứu sơ bộ đã được công bố vào ngày 27/02/2023 và sẽ được trình bày vào tháng Tư tại Hội nghị thường niên lần thứ 75 của Học viện Thần kinh học Hoa Kỳ.
Thêm các dẫn chứng khẳng định lợi ích của các thói quen lành mạnh với việc giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ
Hiện có 900.000 người mắc chứng sa sút trí tuệ ở Anh. Các triệu chứng của sa sút trí tuệ bao gồm mất trí nhớ, nhầm lẫn, có các vấn đề về ngôn ngữ và cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.
Ăn cá giúp giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ (Ảnh: Shutterstock)
Gần đây, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã phát triển một danh sách có tên Life's Simple 7, trong đó có liệt kê 7 thói quen giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu mới ở trên cho thấy những thói quen này cũng có thể giúp ngăn chặn nguy cơ sa sút trí tuệ.
Life's Simple 7 bao gồm:
- Chưa bao giờ hút thuốc hoặc bỏ thuốc hơn 12 tháng trước đó, đồng thời có chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh từ 18,5-25 ((cân nặng )/(chiều cao x 2)).
- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với bài tập vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần với bài tập cường độ cao.
- Chế độ ăn uống phải bao gồm ít nhất 4,5 chén trái cây và rau củ mỗi ngày, 2 khẩu phần cá mỗi tuần, 3 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày, không quá 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần và 1.500 mg natri mỗi ngày - khoảng ⅔ thìa cà phê muối.
- Tổng lượng cholesterol phải dưới 200 mg/dL, huyết áp dưới 120/80 mmHg và lượng đường trong máu dưới 100 mg/dL.
Trong tuần trước, các chuyên gia từ Đại học College London (UCL) công bố một nghiên cứu dài hạn cho thấy duy trì tập thể dục trong suốt tuổi trưởng thành có thể giúp ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người duy trì thói quen tập thể dục có chức năng não bộ tốt hơn so với những người tập thể dục chỉ trong một thời gian ngắn rồi từ bỏ. Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng nhấn mạnh tập thể dục ngay cả khi bạn đã 60 tuổi vẫn tốt hơn là không tập để cải thiện chức năng nhận thức.
(Nguồn: Telegraph, American Heart Association)