Sáng cuối tuần, tranh thủ chồng con còn ngủ, Minh Huệ ra khu chợ gần nhà ở Tân Xuân, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mua thực phẩm theo danh sách đã lên từ đêm trước. Số tiền được phép chi của cô gói gọn trong 500.000 đồng nhưng phải đủ cho bốn người ăn một tuần. "Lên danh sách các món đồ mỗi khi đi chợ là thói quen tôi mới rèn được từ khi hoàn cảnh xô đẩy", người phụ nữ 33 tuổi nói.
"Hoàn cảnh xô đẩy" - cụm từ được Huệ nhắc lại không dưới năm lần trong cuộc trò chuyện - là do năm nay cô bị giảm nửa thu nhập, trong khi gia đình phải chi nhiều hơn vì có thêm em bé. Những tháng đầu mới sinh con, vợ chồng luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, "đau đầu vì tiền".
Cặp vợ chồng cùng quê Thái Bình ngồi lại bàn về chuyện chi tiêu. Huệ bắt đầu ghi chép số tiền vào ra, nhờ đó kiểm soát được tiền mình đang đi về đâu, khoản nào tiêu lố, khoản nào có thể bỏ bớt.
Mỗi khi muốn mua gì, Huệ dành hẳn một tuần suy nghĩ xem có thực sự cần thiết. Đặc biệt, cả nhà "giương cao khẩu hiệu tăng xin giảm mua", như thuê đồ chơi cho con, nhận tiếp tế thực phẩm của ông bà nội ngoại, thường xuyên dọn tủ bán thanh lý những món đồ ít dùng.
"Mình dùng cho con một loại bỉm có chương trình đổi vỏ. Sáu tháng nay mình tích lại bao bì bỉm của con, mỗi tháng cũng đổi được hai bịch băng vệ sinh 80.000 đồng", Huệ nói.
Trái với những hình ảnh "chill" trên mạng, chị Trang Nhung, 37 tuổi, tổng kết năm 2023 trong cụm từ "nghèo nhất từ khi biết kiếm tiền".
"Đến những thứ cơ bản của phụ nữ như quần áo, mỹ phẩm tôi cũng phải cắt gần hết. Cả sở thích cá nhân là sách mà cũng nhiều lần phải tự đánh lừa mình rằng 'sẽ mua sau'", bà mẹ hai con ở quận Bình Tân, TP HCM chia sẻ.
Chị Nhung làm nghề sáng tạo nội dung, chăm sóc fanpage và bán thêm mấy sản phẩm thiên nhiên. Từ trong dịch Covid công việc của chị đã ảnh hưởng, sang năm nay bị mất việc làm thêm, việc chính bị giảm lương. Chị quyết định nghỉ hẳn hai tháng ở nhà, chỉ chăm con, đọc sách.
Sống trong cảnh "ở đáy sự nghèo", Nhung nói nhiều khi thấy bí bách. Đứng trước kệ sách, chị đành lôi ra mấy quyển trước đây chê để đọc nốt. Đứng trước tủ quần áo, nhìn bộ nào cũng thấy cũ, chán và ý tưởng mua đồ mới lại thôi thúc. Nhưng vì không có tiền, chị tự nhắc mình rằng trong này cũng có nhiều món từng thích, từ đó dần học được cách yêu lại những gì đã cũ.
Ngay cả ông xã chị cũng phải tiết chế các khoản cá nhân để bù vào phần hụt của vợ. Anh bỏ tập gym, chuyển sang chạy bộ. Trước đây anh thường tham gia các giải chạy ngoại tỉnh, năm nay cắt hết, chỉ dám mua BIB hai giải chạy trong thành phố.
Câu chuyện giảm thu nhập dẫn tới phải thắt lưng buộc bụng không chỉ là của riêng gia đình chị Huệ hay Nhung. Theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn, trong nửa đầu năm 2023 thu nhập trung bình của người lao động đạt 7,88 triệu đồng mỗi tháng trong khi mức chi tiêu là 11,7 triệu đồng, tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao. Tiền dành cho lương thực, thực phẩm chiếm tới 70% tổng chi tiêu.
Kết quả khảo sát còn cho biết, chỉ 24,5% cho biết thu nhập vừa đủ chi tiêu cho các khoản sinh hoạt, số còn lại thiếu trước hụt sau. Nhiều người phải làm thêm ở ngoài để tăng thu nhập. Hơn 17% lao động trả lời phải thường xuyên vay nợ với tâm trạng bất an vì bị đe dọa, khủng bố đòi nợ. Thu nhập thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc có hay không nên lập gia đình của gần 54% người khảo sát và quyết định có con của 72% công nhân.
Báo cáo của công ty kiểm toán PwC về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023 cũng ghi nhận 62% nói đã buộc phải cắt giảm những khoản chi tiêu chưa cần thiết.
Phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống Xã hội cho biết các quan sát và dữ liệu cho thấy năm qua nhiều người dân bị ảnh hưởng kinh tế. Những quý đầu năm, các chỉ báo liên quan đến tiêu dùng mặt hàng xa xỉ, vui chơi, giải trí suy giảm. Các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Ông Lộc từng gặp một cặp vợ chồng ở quận 7, TP HCM. Người vợ bán bún đầu hẻm, người chồng làm xây dựng. Do người dân thắt chặt chi tiêu nên quán bún gần như không khách, tiền thu không đủ chi phí. Người chồng phải xin cho vợ một chân trong tổ xây dựng. "Lương hai vợ chồng nhận được thấp hơn những người khác, nhưng họ chấp nhận vì dù sao lương hai người vẫn hơn một", ông Lộc cho biết.
Cố vấn tài chính cá nhân và hộ gia đình Lâm Tuấn, thành viên Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam, cho biết năm nay hầu hết những người anh quen đều bị giảm thu nhập, có xu hướng giảm chi tiêu, giảm tối đa các nhu cầu như du lịch, thể thao, giải trí.
Trong bối cảnh thu nhập giảm, người dân lại có xu hướng tìm đến các dịch vụ tài chính nhiều hơn. Năm qua công ty của Lâm Tuấn ghi nhận số lượng khách hàng tăng 35%. Khách hàng tập trung vào các dịch vụ quản lý nợ, lập kế hoạch hưu trí, số đông học kỹ năng chi tiêu và quản lý tài sản.
"Chúng ta vừa trải qua một năm kinh tế buồn, song nhìn một cách tích cực cũng giúp nhiều người học hỏi kiến thức về tài chính cá nhân, có ý thức hơn trong việc quản lý tài sản, từ đó nâng cao dân trí tài chính", anh Tuấn cho biết.
Phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc khuyên người lao động thu xếp lại các công việc trong gia đình; những chi tiêu không cần thiết; nhìn lại xem mình có thế mạnh, tiềm lực mà chưa dùng tới hoặc cần học hỏi thêm. Đặc biệt cần cảnh giác trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều lời mời đầu tư nghe có vẻ rất hấp dẫn nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Từ cá nhân, gia đình, doanh nghiệp hãy nhìn vào bên trong thay vì nhìn ra bên ngoài để phát huy các tiềm lực, giữ mọi thứ nhỏ gọn mà hiệu quả, để khi tình hình ổn định lại sẽ có đà phát triển", ông Lộc nói.
Sau một năm ở "đáy nghèo", chị Trang Nhung nhận ra bản chất của sự hài lòng không phụ thuộc nhiều vào mức chi tiêu, từ đó đã biết cách không lãng phí nữa. Từ cuối quý 3 năm nay chị đã đi làm lại trong một doanh nghiệp nội thất, đến giờ chị đang tràn đầy ý tưởng và động lực phấn đấu mạnh mẽ hơn cho năm sau.
"Chịu đựng qua rồi thì có vài điều tôi làm tôi sáng mắt ra là bài học về quản lý chi tiêu, mà trước đây dù đọc bao nhiêu sách, tưởng biết hết rồi, nhưng nay xuống đáy nghèo, nằm ở đó một năm mới thực sự thấm thía", chị nói.
Còn Minh Huệ, mặc dù thu nhập giảm và nhiều khoản chi, năm qua vợ chồng cô vẫn đóng được hợp đồng bảo hiểm, trả được nợ thẻ tín dụng và đã hình thành nhiều thói quen tốt. Trong đó, họ đã bắt đầu tiết kiệm khoản "lấy vợ/chồng" cho con trong tương lai, dù còn khiêm tốn. Huệ cũng đã nâng cao được trình độ tiếng Anh, trong khi ông xã cô học thêm về kiến thức tài chính, với hy vọng có thêm nguồn thu nhập trong tương lai.
"Sau nhiều năm tiêu không suy nghĩ, bài học lớn nhất tôi nhận được năm qua là giờ tiêu gì phải suy nghĩ", bà mẹ hai con nói.