Trò chuyện với VnExpress ngày 20/10, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc điều hành DAFC - cho biết mục tiêu của đế chế thời trang là mở rộng danh mục xa xỉ phẩm, đưa nhiều thương hiệu cao cấp thế giới phù hợp thị hiếu khách hàng trẻ về phân phối tại Việt Nam.
"Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều thách thức trong việc làm hài lòng tệp khách hàng hiện tại và thu hút các đối tượng tiềm năng mới. Đây là bài toán thú vị không chỉ với cá nhân tôi mà cả công ty", ông Cường nói.
Hiện tập thể lãnh đạo lẫn nhân viên đều phấn khởi, thêm động lực theo đuổi tham vọng trên khi DAFC nhận giải "Doanh nghiệp phát triển nhanh" của APEA 2022 hồi đầu tháng 10.
Giám đốc điều hành Nguyễn Văn Cường và Tiên Nguyễn - Phó tổng giám đốc mảng Phát triển thời trang cao cấp - đồng thuận quan điểm, vạch sẵn lộ trình, chiến lược thương thảo với các thương hiệu xa xỉ. Đồng thời chủ trương đổi mới công nghệ, chú trọng đầu tư phần mềm chăm sóc khách hàng Salesforce và RFID - hệ thống quản lý hàng tồn kho.
"Nhờ hướng đi đúng đắn, thời gian qua, chúng tôi thu hút thêm nhiều nhân tài đầu quân, chung tay kiện toàn đội ngũ và xây dựng DAFC lớn mạnh hơn", ông Cường nói thêm.
Trước đó trong báo cáo kinh doanh nửa đầu năm, DAFC ghi nhận mức tăng trưởng vượt kỳ vọng. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu tăng 49% so với cùng kỳ, riêng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 65% so với cùng kỳ 2021 và vượt kế hoạch cả năm 2022 chỉ trong 8 tháng đầu năm.
2022 cũng là năm đáng nhớ với doanh nghiệp khi cửa hàng đa thương hiệu Jacqueline chính thức tham gia cuộc chơi thương mại điện tử. Họ cũng liên tiếp thành công trong thương vụ đưa Montblanc, Christian Louboutin, Santoni, Aquazzura... về Việt Nam.
Phó tổng giám đốc mảng phát triển thời trang cao cấp Tiên Nguyễn đánh giá cao "màn chào sân" và đóng góp của ông Nguyễn Văn Cường sau hơn một năm đầu quân cho DAFC.
Ông Nguyễn Văn Cường tốt nghiệp khoa Kinh tế Đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội, có bằng Thạc sĩ tài chính và loạt chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán và CPA Australia (Associate member). Ông từng công tác tại các tập đoàn lớn như: Ernst&Young Việt Nam, công ty Chứng khoán SSI, BIM Group, Vinhomes,... Giữa năm 2020, ông đầu quân cho tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG - công ty mẹ của DAFC - với chức vụ CFO.
Đang có bước đi vững chắc và đúng chuyên ngành được đào tạo, ông Cường muốn thử sức tại đế chế thời trang DAFC. Bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng giám đốc IPPG - đã tiến cử ông vào vị trí Giám đốc điều hành. Với chuyên môn vững chắc và cái nhìn nhạy bén với thị trường xa xỉ phẩm, ông được kỳ vọng giúp công ty tiến xa hơn nữa.
Tiếp nhận công việc từ tháng 4/2021 - thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh mẽ là thử thách lớn với ông Cường. Toàn bộ cửa hàng phải đóng, dừng kinh doanh 4 tháng liên tiếp (tháng 6 đến 10/2021). Các sự kiện truyền thông, kích cầu không thể tổ chức, ảnh hưởng lớn đến kinh doanh.
Đầu tháng 10/2021, khi cuộc sống bình thường mới trở lại, ông Nguyễn Văn Cường và Tiên Nguyễn tái khởi động kinh doanh DAFC, ban hành nhiều chính sách mới lạ nhằm kích cầu tiêu dùng. Đồng thời đưa ra chính sách thưởng, hoa hồng mới (doanh số càng cao, thưởng càng lớn), tạo động lực cho đội ngũ bán hàng tăng tốc.
"Cơ chế thưởng chưa từng có, thức thời, góp phần tăng mạnh doanh thu, xô đổ kỷ lục những năm trước", ông Cường nói, đồng thời áp dụng kiến thức tài chính để thiết lập hệ thống quản trị chi phí vận hành, dòng tiền hiệu quả, từ đó cải thiện đáng kể biên lợi nhuận của DAFC.
(ảnh: DAFC)