Thời gian gần đây, nhiều phân khúc BĐS như nhà liền kề, đất nền, biệt thự… đang xảy ra tình trạng giảm giá bởi thanh khoản sản phẩm bất động sản sụt giảm mạnh, giao dịch trên thị trường bị chững lại, khiến không ít nhà đầu tư “vỡ mộng”. Thậm chí những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao lo lắng bởi khoản lãi trả ngân hàng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, ở những thời điểm BĐS “nóng sốt”, không ít nhà đầu tư đã thu được khoản lãi lớn khi xuống tiền đầu tư vào lĩnh vực này. Anh Thực, một nhà đầu tư BĐS sinh năm 1976 tại Hà Đông, Hà Nội cho biết đã thắng lớn trong cơn sốt đất năm 2021.
Anh Thực cho biết đầu năm 2018, được một người quen giới thiệu mua lô đất thổ cư tại Vĩnh Lộc – Thanh Hóa với giá chỉ 30 triệu đồng.
"Thời điểm đó mua xong, cũng chỉ xác định để đó vài năm tăng giá thì bán và tôi cũng không quan tâm đến mức giá thị trường bởi giá mua là quá rẻ so với nhiều khoản đầu tư khác”, anh Thực kể lại.
Tuy nhiên, cơn sốt đất trong năm 2021 đã khiến giá mảnh đất của anh tăng “chóng mặt". Tới tháng 4/2021 lô đất của anh đã được một người khác mua lại để xây nhà ở với mức giá 540 triệu đồng, tương đương mức tăng tới 18 lần so với số tiền ban đầu bỏ ra.
BĐS vẫn là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm
“Ngay cả bản thân tôi cũng không nghĩ rằng mức giá của lô đất này tăng mạnh đến thế chỉ sau khoảng 3 năm xuống tiền”, anh Thực cho biết.
Ông bố người Hà Nội này cũng thừa nhận đây là khoản đầu tư sinh lời lớn nhất trong quãng thời gian hơn 4 năm đầu tư vào lĩnh vực BĐS của mình.
Trường hợp đầu tư và lãi lớn như anh Thực không hiếm trên thị trường. Có khá nhiều NĐT có dòng vốn nhàn rỗi vài trăm triệu, nhắm được đất ở khu vực xa xa, mua vào để đó và gần như "quên đi". Vài năm sau quay lại thì giá đã tăng gấp 4-5 lần, thậm chí có những mảnh đất vi trí đẹp, diện tích lớn có thể tăng từ vài trăm triệu lên hàng chục tỉ đồng.
Tuy nhiên, những trường hợp này đa phần mua từ thời điểm trước khi mặt bằng giá BĐS lên cao; mua và tâm lý là để lâu dài bằng dòng tiền nhàn rỗi.
Từ kinh nghiệm hơn 4 năm đầu tư vào BĐS của mình, anh Thực cho biết trong bối cảnh thị trường như hiện nay chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư có nguồn tiền dồi dào, đầu tư vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật chứ không phù hợp cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính đầu tư vào các phân khúc có tính đầu cơ cao.
Theo anh, những nhà đầu tư mới phải xác định thời điểm này là đầu tư từ 2-3 năm hoặc có thể là 5 năm. Chính vì vậy, nhà đầu tư phải cân đối được dòng tiền trả nợ, tránh tình trạng mất thanh khoản dẫn đến thua lỗ, phá sản.
Lượng người quan tâm BĐS có xu hướng tăng trở lại sau khi nguồn tín dụng được nới
Trước những động thái quyết liệt trong việc tháo gỡ những khó khăn lĩnh vực BĐS của Chính Phủ từ cuối năm 2022, anh Sỹ - chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản sẽ sớm đảo chiều.
Theo anh Sỹ, thời gian gần đây, lượng nhà đầu tư quan tâm tới BĐS đã tăng trở lại. “Mặc dù chưa xuống tiền mua ngay nhưng cho thấy nhà đầu tư đã dần hồi phục niềm tin với thị trường. Chỉ cần thị trường có những chuyển biến mới, những người đang sẵn tiền mặt sẽ xuống tiền, thanh khoản sẽ kích hoạt trở lại, nhưng khó có thể bùng nổ như giai đoạn 2 năm qua”, anh Sỹ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan dự báo, thị trường có thể đảo chiều trong thời gian tới. “Nếu đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng nới lỏng, thị trường cũng theo đà đó mà phục hồi nhanh. Đặc biệt, cuối năm 2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi đang được trình Quốc hội thông qua là những tín hiệu vui cho lĩnh vực này. Tăng trưởng tín dụng và chính sách chính là những gam màu sáng cho bức tranh thị trường bất động sản để hoàn toàn có thể kỳ vọng thời gian 'đảo chiều' và phục hồi sớm hơn, dự kiến sẽ vào khoảng cuối năm 2023”, ông Quốc Anh nhận định.