Ban đầu bác sĩ một phòng khám chẩn đoán cô bị viêm phần phụ, kê toa thuốc kháng sinh. Sau 10 ngày, cô đau bụng dữ dội vùng hố chậu, sốt 39 độ kèm rét run, bác sĩ Khoa Phụ, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, chẩn đoán bệnh nhân viêm nhiễm phần phụ nghiêm trọng, hai vòi trứng và hai buồng trứng bị áp xe, chứa đầy mủ trắng. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh mạnh, truyền dịch hạ sốt, giảm đau, hồi sức tích cực trước khi phẫu thuật.
Ngày 21/4, bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện, cho biết đây là ca bệnh phức tạp, khối viêm rất dính, nghi viêm ruột thừa thứ phát sau viêm phúc mạc do viêm mủ phần phụ. Hai vòi trứng, hai buồng trứng cũng viêm chứa đầy mủ trắng. Buồng trứng trái có khối u dạng lạc nội mạc đã nhiễm khuẩn, có nhiều giả mạc và mủ.
"Cả hai buồng trứng và vòi trứng của bệnh nhân không thể bảo tồn, buộc phải cắt bỏ toàn bộ", bác sĩ nói. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục truyền dịch, kháng sinh, lợi tiểu, hồi sức.
Vòi trứng (còn gọi là vòi tử cung) là một bộ phận quan trọng trong cơ quan sinh sản của nữ giới, xuất phát từ tử cung đến cạnh buồng trứng và có chức năng dẫn trứng đã thụ tinh từ buồng trứng vào buồng tử cung. Nguyên nhân gây viêm mủ vòi trứng có thể vi khuẩn từ các ổ viêm nhiễm ở âm đạo, cổ tử cung, tử cung lây truyền lên vòi trứng. Tác nhân gây bệnh viêm mủ vòi trứng hàng đầu là lậu cầu rồi đến các vi khuẩn khác như liên cầu, tụ cầu...
Viêm mủ vòi trứng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể khỏi hoàn toàn. Nếu không điều trị có nguy cơ biến chứng cấp tính như áp xe vòi trứng, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng nhiễm độc và tử vong. Nhiều người bị viêm ứ nước, ứ mủ vòi trứng; dính, tắc vòi trứng; dính tử cung vòi trứng buồng trứng vào các tạng xung quanh gây đau đớn.