Thời sự

MPI: Thách thức của nền kinh tế sẽ gia tăng ở những tháng cuối năm

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan ... để lấy ý kiến hoàn thiện Đề án 'Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế,' ngày 30/7. (Ảnh: VietnamPlus).

Áp lực và khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong những tháng cuối năm sẽ ngày càng gia tăng, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào "leo thang" cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước tạo áp lực lạm phát và tăng chi phí sản xuất.

Đánh giá trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Trần Quốc Phương nêu ra trong báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các bộ, ngành, cơ quan và một số chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế để lấy ý kiến hoàn thiện Đề án "Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế," ngày 30/7.

Xuất hiện tình trạng hạn chế đầu tư sản xuất

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu của năm đã tăng 6,42% so với cùng kỳ và cao hơn mức dự kiến đặt ra. Bên cạnh đó, lạm phát được tiếp tục kiểm soát, chỉ số giá bình quân 7 tháng chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia phát triển tăng cao kỷ lục nhất 40 năm qua. Cùng với đó, thu ngân sách Nhà nước đã đạt 77,5% dự toán năm…

Tuy nhiên với quan điểm thận trọng, ông Phương cho rằng khó khăn và thách thức có thể sẽ gia tăng trong nửa cuối của năm.

Cụ thể, áp lực tăng giá sẽ ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước. Đáng lo ngại nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gần đây đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón và thức ăn chăn nuôi “đắt đỏ.”

Không chỉ có vậy, sản xuất công nghiệp cũng gặp trở ngại do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển “đội giá.” Mặt khác, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Ngoài ra, việc chậm chễ trong giải ngân vốn đầu tư công cùng một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.

Ông Phương cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7 chỉ đạt gần 34,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,7%). Hơn nữa, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có nguy cơ “dịch chồng dịch” với số ca mắc gia tăng cộng thêm sự xuất hiện biến chủng mới cùng với sự bùng phát của dịch cúm A, đậu mùa khỉ... Những yếu tố này có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, bảo đảm cung-cầu lao động và hàng hóa thiết yếu.

Đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%

Trên cơ sở những vấn đề nêu ra, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp, để từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân. Mục tiêu năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.

Với mục tiêu đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong ngắn hạn tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023)... đồng thời song song thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phát triển trong trung và dài hạn.

“Trước mắt cần chủ động các phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn cũng như nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao,” ông Phương nói.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, ông Phương nhấn mạnh việc sử dụng đồng bộ, linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ với nhau và các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

“Những diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải kịp thời, có trọng tâm và hiệu quả. Theo đó, các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động, không thụ động chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất từ các cơ quan khác,” ông Phương trao đổi.

Mục tiêu điều hành trung hạn:

- Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng.

- Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7% và bảo đảm các cân đối lớn đặt ra trong giai đoạn 2021-2025.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP.

- Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước không thấp hơn 16% GDP, tỷ lệ bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP…

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm