Thủ đoạn lừa đảo mới cực tinh vi
Cổng TTĐT Công an tỉnh Bắc Giang vừa có cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới vừa xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện thủ đoạn giả danh cán bộ cơ quan nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế) gọi điện cho các chủ doanh nghiệp mới đăng ký để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Các đối tượng thu thập đầy đủ thông tin doanh nghiệp như: Đăng ký kinh doanh, ngày thành lập, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, mã số thuế… Sau đó, đối tượng sử dụng số điện thoại "rác" (thuê bao di động, thuê bao cố định) gọi điện đến chủ doanh nghiệp tự xưng là cán bộ cơ quan chức năng hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục thành lập công ty hay kê khai thuế theo quy định. Một số chủ doanh nghiệp khi thấy đối tượng đọc đúng tất cả thông tin về doanh nghiệp của mình đã tin tưởng và làm theo hướng dẫn.
Khi đó, đối tượng đề nghị chủ doanh nghiệp cài đặt phần mềm (App) Thuế (eTax Mobile) từ kho ứng dụng Apple Store, Google Play để phục vụ việc đóng thuế, rồi yêu cầu chủ doanh nghiệp đăng nhập vào App tài khoản ngân hàng mà doanh nghiệp đang sử dụng, mở mới tài khoản ghi nợ hoặc thẻ Visa thanh toán quốc tế, liên kết trực tiếp với tài khoản chính, nhập mã OTP hoặc yêu cầu xác thực khuôn mặt trên ứng dụng ngân hàng.
Từ việc biết các thông tin về thẻ ghi nợ, thẻ Visa (số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV - mã bảo mật thẻ), đối tượng sẽ ngay lập tức chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của chủ doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối tượng có thể gửi đường link cài đặt ứng dụng giả mạo cơ quan thuế để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của cá nhân, doanh nghiệp nộp thuế.

Thủ đoạn giả danh cơ quan thuế. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang
Để phòng tránh bị lừa đảo với thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Giang) khuyến cáo cho người dân.
Các cá nhân, doanh nghiệp cần cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số lạ tự xưng là cán bộ các cơ quan chức năng (công an, viện kiểm sát, tòa án, thuế…). Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
Cần bình tĩnh, tỉnh táo trước những lời đe dọa qua điện thoại. Không làm theo hướng dẫn nào cho phép bất kỳ cá nhân nào truy cập vào máy tính, điện thoại của mình để hỗ trợ cài đặt, sử dụng phần mềm của các cơ quan. Chỉ tải ứng dụng từ Apple Store hoặc Google Play, kiểm tra kỹ tên đơn vị phát hành. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
Các hình thức lừa đảo phố biến
Trong xã hội công nghệ thông tin phát triển mạnh thì tình trạng lừa đảo công nghệ cao ngày càng phát triển mới. Hiện nay, có rất nhiều hình thức lừa đảo công nghệ.
Đầu tiên phải kể đến hình thức lừa đảo giả danh cơ quan chức năng. Theo đó, đối tượng mạo danh công an, viện kiểm sát, tòa án, thuế... gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra hoặc hoàn tất thủ tục hành chính.
Đối với lừa đảo qua mạng xã hội, các đối tượng chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo của nạn nhân để nhắn tin mượn tiền người thân, bạn bè.
Các đối tượng cũng sử dụng công nghệ Deepfake nhằm tạo video giả mạo người thân, bạn bè để lừa đảo qua các cuộc gọi video.

App giả mạo Cục Thuế yêu cầu nhiều quyền bất thường trên điện thoại di động người dùng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang
Ngoài ra, còn hình thức lừa đảo đầu tư tài chính. Theo đó, đối tượng mời gọi đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán quốc tế không rõ nguồn gốc, sau đó chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Đối với thương mại điện tử, đối tượng lừa đảo có thể gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển khoản để nhận quà. sau đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Theo số liệu Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) thực hiện vào tháng 12/2024 được thực hiện ở khu vực người dùng cá nhân, theo hình thức trực tuyến, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cảnh báo, tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025.
"Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền", ông nhấn mạnh.