Sáng 6/6, trên trang cá nhân, ông Tuấn Nguyễn - cựu Phó Tổng giám đốc VCCorp, một tập đoàn truyền thông lớn ở Việt Nam, đăng tải nội dung cho biết ông cùng cộng sự đã nghiên cứu, thử nghiệm và chạy thử thành công mô hình điện toán biên dùng cho việc huấn luyện và thực thi AI mang tên Salala AI Edge Computing.
Theo chia sẻ, mô hình này có thể biến tất cả các thiết bị thông minh của người dùng như smartphone, smartTV, máy tính, laptop,... thành các thiết bị biên để cùng tham gia thực hiện huấn luyện AI, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt hạ tầng trong lĩnh vực này.
“Đây cũng là ý tưởng mà Elon Musk đã đề xuất lên hội đồng quản trị của Tesla mấy tuần trước, nhằm biến hơn một triệu xe điện của hãng thành hạ tầng phần cứng phục vụ cho việc huấn luyện AI”, ông Tuấn nói.
Tuấn Nguyễn là cái tên không còn xa lạ với giới công nghệ tại Việt Nam, ông là một trong những người phát triển hệ thống thương mại điện tử đời đầu như Rongbay, Enbac, Muare, Muachung. Sau khi rời VCCorp, ông khởi nghiệp các lĩnh vực liên quan đến Fintech.
Theo giới thiệu, mô hình Salala sẽ tận dụng sức mạnh của CPU, NPU và GPU trên các thiết bị thông minh hay thậm chí là xe điện, đồng thời áp dụng mô hình sharing economy (nền kinh tế chia sẻ) để biến hàng tỷ thiết bị đó thành hạ tầng phần cứng có thể sử dụng cho việc huấn luyện và thực thi các mô hình AI.
Mặt khác người dùng sở hữu các thiết bị thông minh đó cũng được hưởng lợi khi tham gia đóng góp phần cứng cho mạng lưới và nhận được phần thưởng. Còn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu hạ tầng sẽ được sử dụng với chi phí rẻ chỉ từ 1/3 so với giá thành phải chi trả hiện tại.
"Hiện nay trên thế giới có gần 7 tỷ thiết bị smartphone, gần 1 tỷ smartTV, hơn 300 triệu PC laptop và hơn 10 triệu chiếc xe điện. Những thiết bị này đang dư thừa hiệu năng xử lý lãng phí, chúng tôi đã có công nghệ nhằm tận dụng được các tài nguyên dư thừa này để phục vụ cho sự thiếu hụt của hạ tầng phần cứng dùng cho AI, nhằm mang đến giải pháp hạ tầng giá rẻ, tính sẵn sàng cao cho các bên có nhu cầu”, ông Tuấn chia sẻ.
Thực tế, thị trường hạ tầng phần cứng cho AI đang rất nóng, giúp gia trị vốn hóa của những tên tuổi đứng đầu như NVIDIA, Intel, Qualcomm,... tăng trưởng hàng chục lần trong vài năm qua. Theo báo cáo của Precedence Research, năm 2024 quy mô thị trường AI đạt 133,12 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, các chuyên gia dự đoán dung lượng thị trường sẽ đạt gần 2.000 tỷ USD năm 2032. Các công ty công nghệ đình đám như OpenAI, Google, Facebook mỗi mô hình AI họ tiêu tốn hàng trăm triệu USD cho việc huấn luyện.