Tài chính

Một quỹ đầu tư vừa mua khớp lệnh 1 triệu cổ phiếu TPBank

CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) thông đã mua 1 triệu cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong ( TPBank ), tương đương 0,063% vốn điều lệ ngân hàng. Giao dịch diễn ra trong thời gian 29/9-6/10, theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Trước đó, FPT Capital không nắm giữ cổ phần nào tại TPBank.

Trong thời gian FPT Capital mua cổ phiếu, thị giá TPB dao động trong khoảng 23.000 – 25.000 đồng/cp, Ước tính theo giá trung bình 24.000 đồng/cp, FPT Capital đã chi ra khoảng 24 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Hiện ông Shuzo Shikata - Thành viên HĐQT FPT Capital đang đảm nhiệm cương vụ Phó Chủ tịch HĐQT TPBank. Trong khi bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Tổng Giám đốc FPT Capital cũng đồng thời là Thành viên Ban kiểm soát TPBank.

Trước đó, một quỹ đầu tư khác cũng liên quan đến ông Shuzo Shikata là SBI Ven Holdings Pte. Ltd cũng đăng ký mua gần 221.700 cổ phiếu TPB, nhằm nâng lượng sở hữu lên gần 71,4 triệu đơn vị, tương đương 4,51% cổ phần đang lưu hành của TPBank. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian 30/9 – 29/10.

Đóng cửa phiên giao dịch 7/10, cổ phiếu TPB giảm sàn xuống còn 22.350 đồng/cp. Tính từ đầu năm, TPB đã mất hơn 46% giá trị.

Về TPBank, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng tăng 26% lên mức kỷ lục 3.788 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã thực hiện được hơn 46% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.

Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản TPBank tăng 6,1% đạt gần 310.772 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,5% lên 151.435 tỷ (bao gồm cả mua nợ). Tiền gửi khách hàng tăng 12%, cao hơn nhiều mức tăng chung của ngành ngân hàng.

Vào cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu của TPBank tiếp tục duy trì ở dưới 1% (0,85%), thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ gần 153% vào cuối năm 2021 lên hơn 161%.

Năm 2022, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khoảng 36% so với 2021, tương đương mức 8.200 tỉ đồng. Tổng tài sản kế hoạch đạt 350.000 tỉ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Dư nợ dự kiến đạt 188.800 tỷ đồng, tăng 18%. Tổng giá trị huy động đạt 292.579 tỷ, tương đương tăng 12%, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 15% và đạt mức trên 201.000 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm