Sáu thập kỷ trước, khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vẫn còn là những công ty nhỏ bên ngoài thị trường nội địa, các gã khổng lồ ngành sản xuất ô tô toàn cầu — Toyota, Nissan và Honda — đã bắt đầu mở rộng sản xuất ở Thái Lan. Sự hiện diện sớm của quốc gia Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng ô tô giúp Thái Lan trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ mười trên thế giới, vượt qua cả Pháp và Anh.
Ngày nay, Thái Lan một lần nữa trở thành điểm dừng chân cho tham vọng quốc tế của các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt với những thượng khách đến từ Trung Quốc. Đơn cử, hồi tháng 3, BYD, trong quý đầu tiên vượt qua Volkswagen trở thành hãng xe hơi bán chạy nhất tại Trung Quốc, đã động thổ xây dựng một nhà máy xe điện ở Rayong. Vào tháng 4, Changan tiết lộ khoản đầu tư 285 triệu USD nhằm sản xuất những chiếc xe hơi bên ngoài đại lục. Ngày 6 tháng 5, quan chức Thái Lan cũng cho biết Hozon, một công ty Trung Quốc khác, sẽ tiếp tục sản xuất mẫu xe điện neta V dành cho xứ chùa vàng.
Trong bối cảnh thị trường nội địa gay gắt còn tăng trưởng kinh tế giảm tốc, chi phí bỏ ra để có được khách hàng trung thành mới là rất cao, theo Tu Le của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn ở Detroit. Một cuộc chiến về giá đã nổ ra tại Trung Quốc giữa các thương hiệu xe điện và do đó, nhiều người coi việc mở rộng ra nước ngoài là con đường chắc chắn hơn để tăng trưởng.
Trung Quốc đã xuất khẩu lượng xe hơi trị giá 21 tỷ USD trong quý I/2023, nhiều hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Căng thẳng địa chính trị và thương mại khiến các nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải tìm kiếm một bên trung lập, từ đó mở rộng quy mô ra toàn cầu. Thái Lan, với tư cách là một đồng minh của Mỹ kiêm thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, có vẻ là sự lựa chọn đặc biệt hấp dẫn.
Một số ô tô Trung Quốc sản xuất tại Thái Lan sẽ được bán ở Đông Nam Á, khu vực có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Doanh số bán ô tô tại đây đã tăng trưởng 23% vào năm ngoái.
Ngoài Đông Nam Á, các thương hiệu xe hơi Trung Quốc cũng xâm nhập thị trường phương Tây béo bở. Nghiên cứu của Allianz, một công ty bảo hiểm của Đức, cho thấy các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 4% doanh số bán pin xe điện ở Đức trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, gấp 3 lần so với một năm trước đó. BYD cũng đang cố gắng chinh phục thị trường Mỹ giống như cách các công ty Nhật Bản từng làm.
Còn tại Thái Lan, chỉ trong tháng 1, hãng này đã trao đến tay khách hàng 1.040 xe. Từ khi mở bán đến nay, hơn 10.000 chiếc BYD dòng ATTO 3 đã được xuất xưởng trên thị trường Thái Lan.
Trước ngày mở bán, khách hàng thậm chí xếp dài trước cổng đại lý để giữ chỗ, nhiều đến nỗi buộc hãng phải dừng chương trình đặt sớm trước thời hạn. Một tháng sau, BYD đã phải tăng nguồn cung lên nhiều lần cho thị trường Thái Lan mới có thể giải quyết lượng đơn lớn.
Trước đó, BYD cũng đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tại Thái Lan và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024. Đây sẽ là nhà máy sản xuất xe điện ngoại quốc đầu tiên tại Thái Lan với ước tính sản lượng lên đến 150.000 xe/năm.
Không rõ kế hoạch bán xe hơi tại Thái Lan của các công ty ô tô Trung Quốc khác có thành công như BYD, song các khoản đầu tư lớn sẽ củng cố thêm vị trí thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng châu Á. Năm ngoái, Thái Lan đã nhận được 3,4 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty ở Trung Quốc, nhiều hơn so với Mỹ hoặc Nhật Bản. Lợi ích thương mại từ mối quan hệ bền chặt chẽ này quá hấp dẫn để Thái Lan có thể bỏ qua.
Được biết, hơn 13.000 chiếc xe điện đã được bán trong 9 tháng đầu năm 2022, theo Bộ năng lượng nước này, tăng từ 1.954 xe vào năm 2021. Trung tâm nghiên cứu Kasikorn có trụ sở tại Bangkok ước tính các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm khoảng 80% doanh số bán xe điện này.
Giá cả đang tạo nên sự khác biệt. Toyota bZ4X chạy điện có giá bán lẻ khoảng 53.000 USD tại Thái Lan, trong khi Tesla mới đây bắt đầu bán mẫu Model 3 với giá khởi điểm khoảng 51.000 USD. Mức này cao hơn gấp đôi giá một chiếc xe điện Ora Good Cat của Great Wall Motor, Trung Quốc, hiện đang được bán với giá 763.000 baht, tương đương khoảng 22.000 USD.
“Thái Lan và các quốc gia mới nổi khác ở châu Á có những yêu cầu riêng đối với xe điện. Các nhà sản xuất Trung Quốc đang cho thấy rằng họ có thể đáp ứng nhu cầu về khả năng chi trả của khu vực Đông Nam Á”, Hirotaka Uchida, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ô tô Đông Nam Á của công ty tư vấn quản lý Arthur D. Little, cho biết.
Mới đây nhất, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) cũng tuyên bố đẩy mạnh kế hoạch thu hút các quỹ nước ngoài. Một buổi giới thiệu, quảng bá cơ hội đầu tư vừa được thực hiện tại Trung Quốc, chủ yếu nhằm vào ngành công nghiệp xe điện và điện tử.
Ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng thư ký của BoI, cho biết trong lần đầu tiên tổ chức buổi giới thiệu ở Trung Quốc kể từ sau đại dịch COVID-19, BoI đã tiến hành các buổi giới thiệu, quảng bá cơ hội đầu tư tại Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu và Thâm Quyến. Chúng được kỳ vọng giúp Thái Lan khuyến khích thêm nhiều các doanh nhân Trung Quốc đầu tư vào xe điện, điện tử và công nghệ số.
Theo Bangkok Post, Ủy ban chính sách xe điện quốc gia Thái Lan đặt mục tiêu tham vọng đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 50% số phương tiện sản xuất trong nước, qua đó góp phần đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực.
Theo: Economist, The Bangkok Post