Trong quý đầu năm nay, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 4.522 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức doanh thu cao nhất kể từ quý II/2020 khi nước ta lần đầu phong tỏa gắt gao để chống COVID-19.
Trong số doanh thu này, hoạt động vận chuyển hành khách đóng góp 2.353 tỷ đồng, tương đương 52%.
Khoản mục doanh thu quan trọng thứ 2 của Vietjet đến từ hoạt động chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, đóng góp 893 tỷ đồng trong quý vừa qua. Thống kê bên dưới cho thấy Vietjet còn ghi nhận doanh thu từ mảng vận chuyển hàng hóa và hoạt động phụ trợ hàng không.
Vietjet cho biết hãng đã thực hiện 20.000 chuyến bay trong quý I và vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 60 đường bay nội địa và quốc tế. Tổng số chuyến bay và lượt khách trong quý đầu năm nay đã đạt 50% và 55% so với tổng số cả năm 2021, thể hiện xu thế hồi phục mạnh mẽ của Vietjet nói riêng và ngành hàng không nói chung sau khi bị phong tỏa gắt gao trong nửa cuối năm ngoái.
Về phía hàng hóa, Vietjet đã vận chuyển 12.500 tấn trong quý I/2022, bằng khoảng 2/3 cùng kỳ năm 2021.
Giá vốn của hoạt động khai thác bay là 3.809 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với tổng doanh thu từ vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa. Nói cách khác, Vietjet đang lỗ gộp từ lĩnh vực vận chuyển hàng không.
Ngược lại, hoạt động chuyển quyền sở hữu tàu bay có giá vốn 690 tỷ đồng, thấp hơn so với doanh thu, nên hãng hàng không này có lãi gộp hơn 200 tỷ đồng từ việc bán tàu bay.
Tổng cộng tất cả mảng hoạt động, Vietjet ghi nhận lỗ gộp 257 tỷ đồng trong quý I/2022, giảm đáng kể so với khoản lỗ 1.014 tỷ của quý đầu năm ngoái.
Theo số liệu từ airfleets.net, đội bay của Vietjet hiện có 15 chiếc Airbus A320, 50 chiếc A321, và hai chiếc thân rộng A330 mới được đưa vào vận hành trong khoảng 5 tháng gần đây.
Ngoài ra, tại ngày 31/3 năm nay, Vietjet đang đặt cọc mua tàu bay tổng số tiền xấp xỉ 7.000 tỷ đồng và đặt cọc thuê tàu bay hơn 1.300 tỷ đồng.