Chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là một thách thức không nhỏ cho ngành dệt may - Ảnh: TỰ TRUNG
Mới đây, để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch hành động, đặt ra mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải khí nhà kính lớn như thép, hóa chất, giấy, dệt, nhuộm...
Dệt may cần đầu tư bài bản
Dệt may là một trong những ngành sản xuất gia công truyền thống của Việt Nam, đang sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động, tài nguyên. Vì thế, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh, đang là thách thức lớn đặt ra không nhỏ.
Ông Cao Hữu Hiếu, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay đầu tư xanh sẽ là định hướng chiến lược sắp tới của tập đoàn. "Xu hướng nhiều người mua yêu cầu sản phẩm đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, sử dụng vật liệu tái chế, tái sinh, giảm lượng khí thải carbon và sử dụng hóa chất. Sản phẩm cũng sẽ được đo lường tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, như việc sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo, thể hiện trách nhiệm xã hội như việc sử dụng lao động, đảm bảo mức lương đủ sống và môi trường làm việc an toàn cho nhân viên", ông Hiếu cho rằng đây là hướng đi mới nhưng đòi hỏi cần có sự đầu tư bài bản, nguồn lực lớn.
Theo đó, lãnh đạo Vinatex cho hay sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Hay với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên để phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo...
Mua bán điện sạch trực tiếp
Xu hướng sản xuất xanh, sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo cho sản xuất đang được triển khai ở nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Để khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu sản xuất, Bộ Công thương đang xây dựng Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (DPPA), cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững được tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thông qua một hợp đồng dài hạn.
Tuy nhiên, cơ chế thí điểm DPPA vẫn đang được lấy ý kiến để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, đặc biệt là cơ chế giá. Mặc dù vậy, hiện đã có một số doanh nghiệp FDI bày tỏ mong muốn được tham gia để sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất.
Đơn cử với Samsung, tập đoàn FDI lớn đang đầu tư tại Việt Nam, đã từng có kiến nghị tới bộ trưởng Bộ Công thương được thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp, được lựa chọn đơn vị sản xuất điện, với tổng công suất theo quy định để mua điện.
Hay với Nike, hãng này hướng tới việc giảm 65% phát thải khí nhà kính ở các nhà máy đang sở hữu hoặc vận hành và 30% trong toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030. Do vậy, Nike hướng tới mục tiêu tham vọng là sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các cơ sở để giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn cung lớn nhất của Nike, nên một đại diện của Nike cho rằng việc tham gia chương trình thí điểm DPPA sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo đưa vào sản xuất, nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nike trong việc sản xuất sản phẩm giày dép tại Việt Nam sử dụng năng lượng sạch.
Đồng loạt nhiều giải pháp
Về các giải pháp cụ thể để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ Công thương cho biết sẽ xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích mô hình, doanh nghiệp phát triển phát thải carbon thấp, thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, thí điểm chương trình dấu vết carbon, chứng chỉ năng lượng tái tạo...
Việc xây dựng Quy hoạch điện lực quốc gia đến năm 2045 cũng đưa ra kế hoạch để chuyển đổi năng lượng từ điện than sang điện sạch, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu amonia, hydrogen, phát triển điện hạt nhân, lưu trữ năng lượng, công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon, tăng cường điện khí hóa. Việc triển khai các hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt sản xuất xe chạy bằng xăng, dầu từ nay đến năm 2050...
Đã thí điểm KCN xanh từ 2015
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, từ năm 2015 đến nay, cơ quan này đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để thực hiện thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống sang KCN sinh thái. Đến nay, đã có một số KCN sinh thái được lựa chọn thí điểm tại giai đoạn 1, bao gồm: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (TP.HCM), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Dự án này cũng đang triển khai thực hiện cho giai đoạn 2.