Theo báo cáo sơ bộ vừa công bố, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Nhật Quang lỗ tới 5.573 tỉ đồng trong năm 2022. Năm trước đó, công ty này cũng lỗ hơn 267 tỉ đồng.
Lỗ lớn liên tiếp, vốn chủ sở hữu của Bất động sản Nhật Quang âm 3.958 tỉ đồng. Trong khi cuối năm 2021 vẫn còn 1.614 tỉ đồng.
Thông tin hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu không được đưa ra chi tiết trong báo cáo. Tuy nhiên mới đây, trong thông báo ngày 23-1-2024, bất động sản Nhật Quang cho biết chậm thanh toán trái phiếu mã NQRB2124001 với dư nợ gốc 2.150 tỉ đồng.
Lý do được công ty bất động sản đưa ra là "chưa thu xếp đủ nguồn". Doanh nghiệp cũng không đưa ra thời gian hẹn trả chi tiết trong thông báo.
Theo thông tin từ HNX, lô trái phiếu chậm trả nêu trên của Bất động sản Nhật Quang được phát hành từ ngày 20-1-2021, tổ chức lưu ký là Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). Ngày đáo hạn lô trái phiếu vào 20-1-2024.
Tài sản đảm bảo các tài sản phát sinh từ các hợp đồng nhận chuyển nhượng một phần tài sản của dự án The Spirit of Saigon do Công ty TNHH Saigon Glory làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu, Công ty bất động sản Nhật Quang có trụ sở tại 96 Cao Thắng, phường 4, quận 3, TP.HCM. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 1.950 tỉ đồng. Ông Hứa Kiến Quốc (sinh năm 1988) là tổng giám đốc.
Còn về Công ty TNHH Saigon Glory, doanh nghiệp này cũng báo lỗ hơn 152 tỉ đồng năm 2022, trong khi năm trước còn lãi 290 tỉ đồng. Kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm từ gần 7.000 tỉ đồng còn hơn 6.847 tỉ đồng.
Đầu tháng 2-2024 vừa qua, Saigon Glory đã thông báo việc đạt được thỏa thuận với trái chủ của 10 lô có mã từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10 với tổng trị giá 10.000 tỉ đồng về việc gia hạn thời gian đáo hạn. Tất cả đều được nới đáo hạn từ 1 - 2 năm.
Đáng chú ý, hồi tháng 10-2022, sau sự vụ của Vạn Thịnh Phát, phía Saigon Glory và TVSI đã ký xác nhận việc doanh nghiệp sẽ mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu. Tuy nhiên, thực tế Saigon Glory đã không giữ được lời hứa và liên tục có hội nghị với trái chủ để điều chỉnh ngày đáo hạn trái phiếu.
Nhiều doanh nghiệp chậm trả trái phiếu
Năm 2023, nhiều doanh nghiệp cũng có tình trạng chậm thanh toán trái phiếu. Việc chậm trả trái phiếu diễn ra trong bối cảnh áp lực đáo hạn càng lớn, đồng thời nghị định 08 đã hết hiệu lực từ đầu năm 2024.
Theo ước tính của VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207.000 tỉ đồng, trong đó 59,3% là của các doanh nghiệp bất động sản.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm tới.
Do đó, chuyên gia khối phân tích công ty chứng khoán này cho rằng áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024.