Thị giá cổ phiếu của CTCP B.C.H (Mã: BCA) tăng trần (15%) trong phiên 5/2, lên 10.100 đồng/cp. Như vậy, chuỗi tăng trần tiếp tục nối dài lên con số 4, tương đương với mức tăng 68%.
Trước đó, BCA từng có cú bứt pha 54% từ ngày 6/12/2023 đến 18/12/2023. Sau đó, thị giá hạ nhiệt về khoảng 6.000 đồng/cp và đi ngang cho đến trước khi tăng mạnh 4 phiên gần đây.
Giao dịch từ đầu năm đều theo phương thức khớp lệnh. Khối lượng khớp lệnh phiên 5/2 đạt 790.010 đơn vị, gấp 6 lần phiên trước, đồng thời là mức cao nhất (phương thức khớp lệnh) kể từ khi đưa vào giao dịch thị trường UPCoM (từ tháng 9/2021). Khối lượng giao dịch bình quân qua 1 tuần khoảng 240.000 đơn vị, gấp 4 lần bình quân phiên 1 năm.
Trước đó, BCA xuất hiện 5 phiên trong tháng 11 và 12/2023 ghi nhận giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng 2,8 triệu đơn vị. Giá trị sang tay trên 15 tỷ đồng, tương đương với giá trung bình khoảng 5.500 đồng/cp.
BCA ghi nhận động thái mua vào của lãnh đạo công ty trong thời gian trước đó. Cụ thể, ông Phạm Bá Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu, song chỉ giao dịch thành công 25% từ ngày 4/12/2023 đến 3/1/2024, tăng tỷ lệ sở hữu lên 9,09% vốn.
Ông Đặng Ngọc Hưng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, cũng đăng ký mua 1,2 triệu đơn vị từ ngày 13/12/2023 đến 5/1/2024 nhưng không giao dịch bất kỳ cổ phiếu nào. Cả hai lãnh đạo đều cho biết lý do là thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân.
Quan sát nhóm cổ phiếu cùng ngành thép, HSG, HPG, NKG, TLH, VGS, TVN chủ yếu đi ngang hoặc tăng nhẹ trong 1-2 tuần gần đây, riêng POM bất ngờ giảm sàn phiên 5/2 do thông tin có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.
CTCP B.C.H hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chủ yếu là sản xuất, mua bán, xuất khẩu phôi thép và các sản phẩm về thép; mua bán, gia công kim loại... Vốn điều lệ là 190 tỷ đồng và hiện (cuối năm 2023) chỉ có 12 nhân viên.