Người dân ngày càng phải chi nhiều tiền cho xăng dầu
Tính tới thời điểm hiện tại, sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ ngày 23/5 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng trong nước đã ghi nhận mức tăng kỷ lục trong lịch sử, vọt lên mốc 30.657 đồng/lít. Đây là kỳ tăng giá thứ ba liên tiếp kể từ cuối tháng 4. Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, ba lần giảm.
Theo số liệu của Global Petrol Price, tính tới ngày 23/5, giá xăng trung bình trên thế giới là 1,39 USD/lít. Trong khi đó, mỗi lít xăng RON95 tại Việt Nam là 1,349 USD (tỷ giá quy đổi trong ngày là 22.739 VND/USD). Như vậy, giá xăng hiện tại của Việt Nam đang thấp hơn một chút so với mức này.
Nếu so với một số quốc gia khác trong khu vực, mỗi lít xăng của Việt Nam hiện cao hơn Malaysia (0,467 USD, tương đương 10.619 đồng); Indonesia (1,137 USD, tương đương 25.854 đồng).
Còn các nước như Singapore, Lào, Thái Lan, Philippines và Campuchia đều ghi nhận giá xăng cao hơn Việt Nam.
Cụ thể, giá xăng RON95 của Singapore cao nhất với mức giá 2,249 USD/lít (tương đương 51.140 đồng/lít); Lào là 1,672 USD/lít (tương đương 38,020 đồng/lít); Thái Lan là 1,504 USD/lít (34.199 đồng/lít); Philippines là 1,490 USD/lít (tương đương 33.881 đồng/lít) và Campuchia là 1,391 USD/lít (tương đương 31.630 đồng/lít).
Trong khi đó, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), trong năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.724 USD/người/năm.
So với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam cao hơn Philippines (3.572 USD), Lào (2.514 USD) và Campuchia (1.653 USD) nhưng lại thấp hơn nhiều so với Singapore (72.795 USD); Malaysia (11.399 USD), Thái Lan (7.336 USD) và Indonesia (4.356 USD).
Dựa trên số liệu của IMF nói trên, người Việt Nam có mức thu nhập trung bình khoảng 10,2 USD/ngày, tương đương với 232.000 đồng/ngày (sử dụng tỷ giá quy đổi ở trên). Như vậy, với mức giá xăng RON95 là 30.657 đồng/lít ở thời điểm hiện tại, giá mỗi lít xăng đang bằng khoảng 13,2% thu nhập bình quân một ngày của người Việt Nam.
Con số này thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines bằng khoảng 15,23%, Lào là 24,28% và Campuchia là 30,71% nhưng cao hơn rõ rệt so với các nước có GDP bình quân đầu người cao như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Tỷ lệ này ở các quốc gia nói trên lần lượt là 1,13%, 1,5%, 7,48% và 9,53%.
Theo Global Petrol Price, nguyên tắc chung là các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn; trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia chủ yếu là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau.
Trên thị trường quốc tế, các quốc gia được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau nhưng giá xăng dầu nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định áp các loại thuế khác nhau của từng nước.
Tại Việt Nam, Bộ Tài chính hiện đang áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí như: Thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800 - 4.000 đồng/lít. Bốn loại thuế chiếm tới 38% giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, mức tăng giá xăng dầu còn cộng thêm các chi phí khác như vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn chiếm tới 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao.
Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, giá xăng vẫn liên tục leo thang và lập đỉnh mới. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc giá xăng ngày một tăng cao sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng và đối mặt với nỗi lo lạm phát.
Nỗi lo lạm phát khi giá xăng, dầu liên tục leo thang
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và một nhóm hàng giảm giá. Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với mức tăng 2,34% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm.
Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 4/5, 11/5 và 23/5 làm cho giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%.
Theo Cổng TTĐT Quốc hội, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng nước ta khi đang có cơ hội để kìm tốc độ tăng của lạm phát thì phải sử dụng, nếu không cứ điều chỉnh giá xăng dầu liên tục sẽ tác động tới tất cả các ngành hàng hóa và khi đó sẽ khó kiềm chế, kiểm soát.
Trong trường hợp phải sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát sẽ để lại những hậu quả tiêu cực, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đại biểu phân tích nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn sau hai năm đại dịch lấy đi phần tích lũy của người dân. Nay lại gặp “bão giá”, người dân sẽ hết sức vất vả.
Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistic…Đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo.
Ông Trần Hoàng Ngân lý giải, giá cả lên thì chi ngân sách tăng lên, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất nguy kịch, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đền này.
Đại biểu dẫn chứng, những năm lạm phát cao như năm 1986, 1987, 1988 là thời điểm Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, hạch toán kinh doanh, quy định tỷ giá sát thị trường và chấp nhận cơ chế giá thị trường.
Bài học gần nhất là năm 2008, lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh và khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn. Khi lạm phát cao ở mức độ hai con số, liều thuốc các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải “uống thuốc” liều cao.
Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%. Nền kinh tế lúc đó đang tăng trưởng 7,5 – 8,4% thì còn 6% và nặng nhất 2011-2012, Việt Nam phải chấp nhận không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.
Đại biểu cho biết thêm, trước khi có xung đột tại Nga - Ukraine thì đã có dấu hiệu của lạm phát do chính sách kích cầu của các nước sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Các nước bắt đầu thắt chặt, Mỹ đã tăng lãi suất và tác động đến nền kinh tế thế giới.
Do đó, chúng ta phải hành động gấp để lạm phát không tăng lên, tránh để khi bệnh nặng lại phải dùng liều thuốc nặng, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
TheoVietnamnet, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, so với 10 ngày trước, giá bán lẻ của các loại xăng trong nước đang thấp hơn giá bán xăng thành phẩm trung bình trên thị trường Singapore từ 350-850 đồng/lít.
Do đó, tại kỳ điều hành ngày 1/6, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 350-850 đồng. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể vượt 31.000 đồng/lít. Còn giá dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/6 cũng có thể tăng nhẹ.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 13 kỳ điều hành giá có tới 10 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm.