Doanh nghiệp

Mộc Châu Milk trước thềm lên HOSE: Duy trì cổ tức tiền mặt trên 20% mỗi năm, nói không với vay nợ

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 110 triệu cổ phiếu MCM của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk - Mã: MCM). 

Mộc Châu Milk là thương hiệu sữa lâu đời nhất ở Việt Nam, ra đời từ năm 1958. Đầu năm 2020, Mộc Châu Milk chính thức về tay CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) thông qua GTNFoods (đã sáp nhập vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam). Cũng trong năm 2020, Mộc Châu Milk chính thức giao dịch UPCoM.

Tính tới nay, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico - Mã: VLC) sở hữu 59,3% vốn Mộc Châu Milk, Vinamilk nắm 8,85% vốn. Mộc Châu Milk đang là công ty con gián tiếp của Vinamilk thông qua Vilico với tỷ lệ biểu quyết là 49,17%.

Hiện nay, Mộc Châu Milk đang khai thác ở các thị trường khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội và các thành phố lân cận, miền Trung và Tây Nguyên. Theo chia sẻ của lãnh đạo tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, công ty chiếm khoảng 5% thị phần toàn ngành.

Hiện Mộc Châu Milk có khoảng 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở phía Bắc và mục tiêu 5 năm tới sẽ gia tăng lên 250 cửa hàng.

Cuối năm 2022, doanh nghiệp sở hữu đàn bò với hơn 2.000 con tại trang trại và 24.300 con ở Mộc Châu (tỉnh Sơn La) thông qua việc liên kết hộ nông dân chăn nuôi bò sữa và có ba trung tâm giống bò sữa lớn. Với khoảng 26.315 con bò, sản lượng sữa trung bình là 26 lít/con/ngày, công suất đạt 250 tấn sữa/ngày.

Công ty đang đầu tư thêm dây chuyền sản xuất sản phẩm sữa tươi hiện đại tại Nhà máy sữa Mộc Châu, mở rộng quy mô đàn bò tại trang trại hiện hữu của Mộc Châu Milk lên 6.000 con (bao gồm nâng cấp trang trại hiện hữu thêm 2.000 con và đầu tư trang trại bò sữa 4.000 con kết hợp với du lịch sinh thái). 

Trong đó, dự án đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái và dự án nâng cấp trang trại hiện hữu có tổng vốn đầu tư 1.120 tỷ đồng. Dự án có diện tích 150 ha.

Ngoài ra, công ty còn đang đầu tư Nhà máy sữa công nghệ cao - Mộc Châu có diện tích 3,7 ha và có năng lực sản xuất hiện nay 200 tấn/ngày (tương đương 120.000 sản phẩm/ giờ). Dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Cả hai dự án trên được khởi công cuối tháng 5/2022 và dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào 2024.

Sau khi tiếp quản, Vinamilk đã đưa ra chiến lược phát triển ngắn và dài hạn cho Mộc Châu Milk. Trong ngắn hạn, Vinamilk tập trung đẩy Mộc Châu Milk ở khía cạnh hoạt động hiệu quả bao gồm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối. Trong dài hạn, đơn vị sẽ nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm sữa tươi mới, thay đổi bao bì.

Về thị trường, Mộc Châu Milk vẫn tập trung ở miền Bắc do dư địa còn rất lớn. Khi đã phát triển mạnh ở miền Bắc, doanh nghiệp sẽ lấn sân tới khu vực miền Trung và Nam. Vinamilk mong muốn tăng nhận diện thương hiệu, làm tiền đề phát triển thương hiệu Mộc Châu đồng hành cùng thương hiệu Vinamilk.

Kể từ sau khi về tay Vinamilk, hiệu quả kinh doanh của Mộc Châu Milk được cải thiện rõ ràng. Doanh thu và lợi nhuận ròng ghi nhận tăng trưởng giai đoạn 2019 - 2022. Song nếu so với quy mô của đối thủ CTCP Sữa Quốc tế (Mã: IDP) thì lợi nhuận của Mộc Châu Milk vẫn ở mức khiêm tốn.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính.

 Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp.

Biên lợi nhuận của Mộc Châu Milk đã thay đổi rõ nét với mức biên lãi gộp tăng lên trên 30% còn biên lãi sau thuế trên 10% giai đoạn 2020 - 2023. Trái lại, cả Sữa Quốc tế IDP và Vinamilk đều suy giảm mạnh tỷ suất sinh lời trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn về giá nguyên vật liệu thời gian. Song nếu so với Vinamilk và Sữa Quốc tế thì tỷ suất sinh lợi của Mộc Châu Milk vẫn ở mức thấp. 

Hồi 2020, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk đồng thời là Chủ tịch Mộc Châu Milk từng tiết lộ mục tiêu đặt ra trong vòng 3 đến 5 năm là đưa biên lợi nhuận của Mộc Châu Milk lên bằng với Vinamilk.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính.

 Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Mộc Châu Milk là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức tiền mặt cao. Riêng năm 2022, mức chi trả giảm xuống còn 20% bằng tiền (2.000 đồng/cp) do công ty phải dành nguồn vốn cho các dự án đầu tư.

 Nguồn: H.K tổng hợp từ công bố thông tin của doanh nghiệp.

Về tình hình tài chính, tính tới hết quý II, quy mô tài sản của doanh nghiệp là 2.603 tỷ đồng. Trong đó, 63% tài sản nằm ở khoản tiền, tiền gửi ngân hàng (1.632 tỷ). Với nguồn tiền gửi chiếm phần lớn tài sản, năm 2022, khoản lãi tiền gửi mang về cho Mộc Châu Milk gần trăm tỷ còn nửa đầu năm là gần 74 tỷ, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gần như nói không với nợ vay trong nhiều năm qua. Một số quý công ty này có phát sinh nợ vay nhưng quy mô rất nhỏ và thường là ngắn hạn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm