Ngày 31/3, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 01/2025/TT-BKHCN. Theo đó, Việt Nam chính thức mở thêm 500 MHz băng tần trong dải 6 GHz (từ 5925 - 6425 MHz) cho các thiết bị WiFi, và đặc biệt: được miễn giấy phép sử dụng.

Băng tần mới và WiFi thế hệ mới, người dùng sẽ được tận hưởng tốc độ cáp quang ngay trên thiết bị của mình (Ảnh minh họa: Getty).
Nội dung mô tả thông số kỹ thuật nghe đầy khô khan, nhưng thực tế, Thông tư được những chuyên gia công nghệ đánh giá là cú hích quan trọng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Hãy tưởng tượng, bạn vào trung tâm thương mại, hoặc trong một buổi đại nhạc hội, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người cùng bật WiFi. Ai cũng livestream, tải app, gọi video. Mạng lag, hình giật, âm thanh vỡ, mất kết nối...
Đó là lúc bạn cần đến băng tần 6 GHz.
WiFi đang quá tải, cần thêm "cao tốc"
Trong nhiều năm qua, WiFi tại Việt Nam chủ yếu "chen chúc" trên hai làn đường cũ: băng tần 2.4 GHz và 5 GHz, với tổng băng thông khoảng 663,5 MHz.
Nhưng thế giới thiết bị đã thay đổi chóng mặt. Trong thời đại Internet vạn vật (IoT), từ điện thoại, laptop, TV thông minh, cho đến đồng hồ thông minh, máy lọc không khí, camera an ninh, robot hút bụi... tất cả đều kết nối WiFi.
Nhu cầu sử dụng WiFi tại Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, gắn liền với sự phổ cập của điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, tivi thông minh, cũng như sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị đeo, thiết bị IoT...
Và như vậy, tổng băng thông khoảng 663,5 MHz hiện không còn đủ đáp ứng nhu cầu kết nối tốc độ cao, ổn định, và dung lượng lớn.
Người dùng giờ đây cần mạng mạnh không chỉ để xem YouTube, TikTok, mà còn để bật đèn bằng giọng nói, livestream bán hàng, điều khiển drone, học ngoại ngữ cùng AI, làm việc với trợ lý ảo... Tóm lại, hạ tầng WiFi đang quá tải, và đã đến lúc cần mở thêm đường băng.
Mở thêm 500 MHz băng tần 6 GHz: Làn sóng mới cho WiFi 6E và WiFi 7
Với quyết định mới của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam gia nhập nhóm 51 quốc gia (chiếm 80% trong số các nước triển khai WiFi 6E) đã mở cửa dải tần 5925 - 6425 MHz. Đây là vùng tần số sạch, ít nhiễu, cực kỳ lý tưởng cho các ứng dụng cần tốc độ cao và độ trễ thấp.
Băng tần 6 GHz mang lại tốc độ nhanh hơn đáng kể: WiFi 6E hỗ trợ kênh rộng 160 MHz, WiFi 7 thậm chí đạt 320 MHz. Kết quả là video 8K không giật, game không lag, họp trực tuyến tương tác hàng trăm người vẫn mượt mà giống như xem truyền hình trực tiếp.
Băng tần này có độ trễ thấp, là yếu tố cực kỳ quan trọng với công nghệ AR/VR, xe tự hành, nhà máy thông minh hoặc bất cứ thứ gì cần phản hồi theo thời gian thực.
Băng tần giúp ổn định hơn, hiện ít thiết bị tranh chấp băng tần này, nên tín hiệu "sạch", giảm nhiễu, ít rớt mạng, đặc biệt tại khu vực đông người như sân bay, khách sạn, văn phòng.
Kết hợp với các công nghệ truyền tải hiện đại như OFDMA và MU-MIMO, WiFi thế hệ mới trong băng tần 6 GHz có khả năng phục vụ nhiều thiết bị cùng lúc mà vẫn giữ được chất lượng kết nối cao.
Nếu ví WiFi là đường truyền dữ liệu, thì băng tần 6 GHz chính là cao tốc hiện đại, rộng rãi, ít xe, nhiều làn.
Không phải tiện ích, mà là hạ tầng chiến lược
Theo Quyết định 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu phổ cập hạ tầng băng rộng đến từng hộ gia đình, mỗi người dân có smartphone, và chuyển đổi IPv6 toàn quốc.
Nhưng muốn mạng mạnh thì cáp quang chưa đủ. Kết nối từ modem đến người dùng là phần kết nối cuối cùng. WiFi chính là cây cầu nối. Nếu cầu yếu, mạng sẽ chậm. Dù chúng ta sử dụng gói Internet mới nhất có tốc độ tối thiểu lên tới 300Mbps vừa được các nhà mạng nâng cấp, nhưng WiFi đời cũ vẫn có thể khiến người dùng rớt mạng.
Giờ đây, với băng tần mới và WiFi thế hệ mới, người dùng sẽ thực sự được tận hưởng tốc độ cáp quang ngay trên thiết bị của mình.
Các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Trước hết, các nhà sản xuất thiết bị Việt giờ đây có thể sản xuất hoặc nhập khẩu router WiFi 6E/7 mà không lo vướng rào cản pháp lý.
Nhà mạng cũng được "mở đường" để triển khai các dịch vụ mesh WiFi cao cấp cho khu dân cư, cao ốc văn phòng, resort, sân bay...
Thông tư này của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đảm bảo hài hòa quy hoạch tần số trong nước, không gây ảnh hưởng đến các dịch vụ vô tuyến hiện hữu, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và ổn định để thúc đẩy triển khai các công nghệ WiFi thế hệ mới tại Việt Nam.