Sau khi có quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc hủy bỏ 9 lô trái phiếu đã phát hành, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã ra thông báo khẳng định: “đang tích cực tìm kiếm các đối tác để kịp thời bán tài sản được phép và thu xếp nguồn tài chính nhằm sớm hoàn trả tiền cho khách hàng”. Liên tiếp từ ngày 12 đến ngày 14/4, nhiều nhà đầu tư đã tập trung tại trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại phố Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội để hỏi lộ trình trả tiền mua trái phiếu theo “lời hứa” của Tập đoàn này.
Tuy nhiên, một nhà đầu tư chia sẻ, mặc dù đúng hẹn theo lịch thì 5 ngày phía Tân Hoàng Minh có lộ trình trả tiền khách hàng, nhưng khi đến làm việc, từ nhân viên cho đến lãnh đạo đều đưa ra những lời hứa chung chung và chưa có văn bản nào gửi cho khách hàng cụ thể về lộ trình trả tiền nhà đầu tư mua trái phiếu. Trong bối cảnh vụ án mới ở giai đoạn điều tra ban đầu, còn vướng một số vấn đề pháp lý, phải chờ ý kiến của cơ quan chức năng, lộ trình "bán dự án để trả nợ cho nhà đầu tư" Tân Hoàng Minh đưa ra cũng không thể nhanh chóng thực hiện và người mòn mỏi đợi chờ vẫn là các trái chủ.
Trên thị trường hiện nay, nhà đầu tư đang mua trái phiếu doanh nghiệp theo 3 cách. Cách phổ biến nhất là mua từ các đơn vị tư vấn hoặc phân phối trái phiếu. Ở hình thức này, trái phiếu được doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho khách hàng tổ chức và cho chính các công ty tư vấn, sau đó họ thực hiện phân phối lại ra thị trường. Cách thứ hai là nhà đầu tư mua trực tiếp qua hình thức được chào bán rộng rãi ra công chúng. Cách thứ ba, mặc dù không phổ biến nhưng một số nhà đầu tư có thể mua trực tiếp thông qua đàm phán với chính đơn vị phát hành.
Mỗi hình thức mua trái phiếu sẽ có những ưu nhược điểm riêng khi xem xét và đánh giá rủi ro. Với hình thức mua lại từ các đơn vị phân phối (chủ yếu là công ty chứng khoán), các đơn vị này sẽ hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá và tập trung quản lý tài sản thế chấp cũng như giám sát dòng tiền trả nợ, nhưng đổi lại, nhà đầu tư phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn so với mức mà doanh nghiệp phát hành trả cho đơn vị tư vấn và phân phối.
Chuyên gia môi giới tài chính cho biết, không phải tất cả nhà đầu tư đều không nghĩ đến rủi ro, mà đôi khi họ hiểu sai về rủi ro. Chẳng hạn như họ thấy rằng trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh, nhưng không phân biệt được giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán. Nếu là bảo lãnh phát hành thì không có ý nghĩa gì với nhà đầu tư, bởi ngân hàng sẽ không đứng ra trả nợ thay cho tổ chức phát hành nếu như xảy ra vỡ nợ. Trong khi đó trên thực tế, ngay chính nhân viên bán trái phiếu không rõ là vô tình hay cố ý, cũng lập lờ trái phiếu có bảo lãnh nhưng không nói rõ bảo lãnh như thế nào khiến người mua nhầm lẫn.
Nhà đầu tư có thể cũng không hiểu rõ về tài sản bảo đảm. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp nhỏ, không tên tuổi, phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm là chính cổ phiếu của công ty đó thì nếu công ty không trả được nợ, giá cổ phiếu có thể không còn giá trị, do cổ đông là người nhận được quyền lợi sau cùng nếu chẳng may doanh nghiệp phá sản. Hoặc như tài sản bảo đảm là nhà xưởng đặc thù nhiều khi cũng rất khó bán, bởi thường chỉ bán được cho một số công ty cùng ngành.
“Mua trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh thanh toán, không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không có ý nghĩa, doanh nghiệp phát hành không được xếp hạng tín nhiệm thì không khác gì đi mua bong bóng”, chuyên gia này cho biết.
Doanh nghiệp huy động vốn thông qua trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Nhà đầu tư cũng phải tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân thường thường thiếu khả năng phân tích, tiếp cận thông tin, dễ bị lợi nhuận che mắt.
Vì vậy, nhằm tránh việc nhà đầu tư ham lãi cao bất chấp mọi thứ, Bộ Tài chính đã nhiều lần ra khuyến cáo và Chính phủ cũng hạn chế rủi ro bằng cách ban hành Nghị định 153 chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Sau cơ chế này, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh. Trong nửa đầu năm 2021, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, chỉ bằng 47% của cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện hành vi lách quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ngoài ra, còn hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân.
Trên thực tế, suốt từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư như bỏ tiền ra mua trái phiếu, gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, mua bất động sản… Để đưa ra quyết định, nhà đầu tư phải tự hiểu về bản thân, phải có bức tranh về tình hình tài chính cá nhân của mình để tránh trường hợp "bỏ tất cả trứng vào một giỏ".
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo mang rủi ro rất lớn. Các nhà đầu tư cá nhân nên xem xét khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nên chọn mặt gửi vàng. Các doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập thì nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư. Mặt khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không chỉ đặt mục tiêu lãi suất cao ở hiện tại, mà phải tìm "lối thoát" cho những năm sắp tới.
Bộ Tài chính cũng khuyến nghị khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng, đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, đánh giá rủi ro trái phiếu trước khi có quyết định đầu tư và không phải chỉ nhìn vào mức lãi suất cao hay thấp. Việc chỉ quan tâm tới lãi suất cao dẫn tới có thể sẽ bị mất khoản đầu tư khi doanh nghiệp, dự án đó gặp khó khăn.
Cùng với đó, để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế thị trường chứng khoán cũng từng có thời kỳ cổ phiếu trên sàn phi chính thức (OTC) được giao dịch rất nhiều, nhu cầu mua rất cao nhưng thông tin không đầy đủ, rất rủi ro. Dần dần các cổ phiếu tốt lên sàn chính thức càng ngày càng nhiều và tình hình “bát nháo” trên sàn OTC dần được khắc phục bởi nhà đầu tư có nhiều lựa chọn tốt hơn và minh bạch hơn trên các sàn chứng khoán chính thức, đồng thời các nhà đầu tư cũng ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn sau quá trình tham gia thị trường.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán, cần được đặt trong một hệ thống quản trị chặt chẽ, mang tính công khai, minh bạch cao ngay từ đầu. Đó chính là cách kiểm soát để giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế. Những "sự cố" cổ phiếu và trái phiếu xảy ra vừa qua khởi động cho quá trình làm "trong sạch hóa" môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng một hệ thống thị trường bậc cao đúng nghĩa, lành mạnh, minh bạch và bền vững, góp phần bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế hiệu quả nhất.