Cha mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, để con bằng bạn bằng bè, không thua kém ai. Đặc biệt tính đến chuyện học hành, cha mẹ đều coi đây là những khoản đầu tư đáng giá nhất mà hết sức dành dụm, tiết kiệm từng đồng và thậm chí là hy sinh trong nhiều cách khác nhau để con có một tương lai sáng lạng hơn.
Tuy nhiên, một điều khiến nhiều cha mẹ, đặc biệt ở những gia đình không khá giả mấy, họ đều canh cánh nỗi lo: đầu tư cả gia tài cho con đi học xong, không biết học hành "ấm vào thân" được bao nhiêu không nhưng những gì nhận lại được chỉ là những ngày tháng con vùi mặt vào công việc, lương thưởng gửi về chẳng được là bao, cộng với khoản nợ trước đây chồng chất lên từ hồi vay mượn cho con đi học.
(1)
Mẹ tôi cả đời làm nông dân, tần tảo sớm hôm để lo cho tôi học hết lớp 12. Tôi thi đỗ đại học, mẹ mừng lắm nhưng nước mắt cứ chảy dài.
Thế rồi, mẹ bán mảnh đất 1000m2 được 500 triệu, gửi tiết kiệm để lo cho tôi ăn học đại học ở Hà Nội. Mẹ bảo, cả đời mẹ đầu tắt mặt tối rồi, con phải học thành người để có công ăn việc làm ổn định.
Tôi lao vào học, thi thoảng đi làm gia sư để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Rồi tôi cũng ra trường, định về quê xin việc cho gần mẹ, nhưng không có tiền chạy việc nên quyết bám trụ lại Hà Nội.
Lúc mới ra trường, tôi chạy grab để có tiền trang trải chi phí nhà trọ và sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, tôi xin được vào làm nhân viên của một công ty nhỏ, lương 5 triệu/tháng. Mức lương này cũng chỉ đủ chi phí cho tôi chi tiêu hàng ngày, chưa để ra được đồng nào biếu mẹ.
Hôm vừa rồi về quê thăm mẹ, mẹ vui khi biết tôi đã có công ăn việc làm tương đối ổn định. Mẹ bảo, đời mẹ vất vả, giờ thấy con vậy là yên tâm rồi.
Hay tin tôi về, mấy bác hàng xóm sang chơi. Sau câu chuyện xã giao, họ hỏi han tình hình của tôi. Có người dò hỏi lương nhưng tôi không hứng thú chia sẻ chuyện này.
Có bác hàng xóm bảo, mảnh đất mà ngày trước mẹ tôi bán, giờ lên giá 5 tỷ rồi. Vừa rồi người ta mới bán lại, có khi tới đây giá còn tăng vì đất bám mặt đường.
Mẹ tôi chỉ cười, không nói gì. Nhưng tôi thì cứ suy nghĩ mãi. Vì từ lâu, tôi đã có ý nghĩ sẽ dành tiền để mua lại đất cho mẹ. Nhưng cứ đi làm như hiện nay, kể cả lương có tăng lên 20 triệu/tháng thì tôi cũng không thể đủ tiền mua lại mảnh đất ấy.
Tôi thấy áy náy và rất khổ tâm vì chuyện này.
(2)
Mới đây, tòa án Nhân dân huyện Lâm An, thành phố Hàng Châu, Chiết Giang vừa xét xử tranh chấp về các khoản chi phí học tập cho con, sau ly hôn. Trước đó vào tháng 7, toà án nhận được đơn kiện của bà Khâu, vợ cũ ông Trương, yêu cầu ông phải trả 100.000 tệ (328 triệu đồng) cho tiền học của con.
Ban đầu, ông Trương và vợ là bà Khâu một người làm kinh doanh, một người làm doanh nghiệp nhà nước. Khi giá nhà thấp, họ tích luỹ mua được 3 căn nhà ở Lâm An, Hàng Châu. Nhiều người ghen tỵ với thành quả họ tích cóp được. Nhưng kể từ khi con gái họ, Tiểu Ngọc, bước chân vào con đường nghệ thuật, mọi thứ thay đổi.
Thành tích học tập của cô bé không tốt. Bà Khâu thấy con gái thích sáo trúc và "cũng có tài" nên bàn với chồng cho con theo con đường nghệ thuật. Người xưa nói "dùng nghèo nuôi con trai, dùng giàu nuôi con gái ", vì thế, họ làm bất cứ đều gì cho Tiểu Ngọc.
Từ lúc Tiểu Ngọc học trung học cơ sở, bà đã cùng con gái lên Bắc Kinh thuê nhà, vừa học văn hoá vừa theo học nghệ thuật của một giáo viên nổi tiếng. Sau đó bà xin nghỉ ốm ở cơ quan dài ngày, rồi tiếp đến bán hai ngôi nhà đầu tư hết vào con.
Chỉ mình ông Trương làm việc, không thể đảm đương chi phí đào tạo ngày một cao và nhiều khoản phát sinh của con gái. Để kiếm được nhiều tiền hơn, ông đã đầu tư chứng khoán, có giai đoạn trúng lớn, nhưng cuối cùng thất bại, nợ hơn một triệu tệ.
Về phần Tiểu Ngọc, vì theo đuổi nghệ thuật nên điểm các môn văn hoá ngày càng tệ. Năm con lên cấp 3, ông phải bán ngôi nhà thứ 3 để lo chi phí học.
Hơn thế, vợ chồng ông Trương và bà Khâu xa cách lâu ngày. Những mâu thuẫn, khác biệt khiến họ không tìm được tiếng nói chung. Năm 2017, cuộc hôn nhân của ông Trương và bà Khâu chấm hết. Mỗi tháng ông trợ cấp nuôi con 2.000 tệ cho đến khi Tiểu Ngọc tự lập.
"Trong mười năm qua, suy nghĩ lớn nhất của tôi là dành cho con. Nhưng trong tờ giấy thoả thuận cuối cùng chỉ đơn giản là '2.000 tệ mỗi tháng'", ông Trương xót xa nói.
Điều khiến ông Trương buồn là khi ly hôn, cô con gái đứng về phía mẹ. Đến một cuộc gọi để nghe giọng con cũng trở nên xa xỉ. "Tôi trở thành cỗ máy in tiền cho con gái. Nhưng trong mắt con, đến cuối cùng cũng chỉ có mẹ", ông tự cười mình.
Thành tích học tập của Tiểu Ngọc rất tệ. Trước kỳ thi đại học năm nay, bà Khâu muốn đầu tư một khoá học "chạy nước rút" cho con, học phí 200.000 tệ (gần 700 triệu đồng). Nhưng cuối cùng, Tiểu Ngọc vẫn không đậu.
Tuy nhiên, bà Khâu nghĩ chồng cũ nên trả nửa tiền đào tạo của con gái và yêu cầu ông Trương phải chịu cùng. Ông Trương không đồng ý nên bị kiện. Cuối cùng, toà án phán quyết 200.000 tệ này không phải là chi phí giáo dục cần thiết, ông Trương không có nghĩa vụ phải chi trả.
Dù thắng kiện, nhưng ông cũng không thể hạnh phúc. Vì giáo dục của con gái, không ngờ cuối cùng vợ chồng ly tán, ông Trương trở thành kẻ cô độc. "Sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi là bán 3 ngôi nhà để nuôi con gái giàu, để con theo nghệ thuật", ông Trương than thở trên toà.
Như vậy, các gia đình cần suy tính lại một cách kỹ lưỡng, để làm sao con học được tính độc lập và tự chủ trong cuộc đời của mình nhiều hơn. Chính những bài học, va vấp trong cuộc đời mới là những thứ đáng quý giúp học trở thành người khôn ngoan, ưu tú trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, chứ không chỉ là những kiến thức học thuật có được trên giảng đường.
Kiến thức hoàn toàn có thể đạt được theo nhiều cách khác nhau, không thể chỉ có thông qua việc đánh đổi một số tiền lớn, để rồi gia đình lâm vào cảnh bần cùng, và rồi cả con cái lẫn ba mẹ đều trở nên khó xử không biết than ai!
Nguồn ảnh: Sưu tầm