Rủi ro tỷ giá tiếp diễn
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng những bất ổn liên quan đến ‘Trump 2.0’ có thế dẫn đến viêc gia tăng giá trị của đồng USD, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá trong nước.
Trong năm 2024, tỷ giá VND/USD đã chịu áp lực mạnh, đặc biệt vào tháng 5/2024 khi đạt mức 25.470 VND/USD, mất khoảng 4,6% so với đầu năm. Sức ép này đến từ việc Fed duy trì lãi suất cao và nhu cầu USD tăng mạnh để nhập khẩu nguyên liệu và đầu cơ.
Sau đó, VND phục hồi từ giữa tháng 9 nhờ đợt cắt giảm lãi suất của Fed, nhưng lại tăng trở lại trong quý IV/2024 do nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ và nhu cầu USD từ Kho bạc Nhà nước để chi trả nợ.
Đến tháng 12, tỷ giá liên ngân hàng đạt mức cao kỷ lục 25.485 VND/USD và tỷ giá thị trường tự do lên 25.800 VND/USD. Tỷ giá trung tâm cũng đạt mức cao nhất từ khi áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm.
Các chuyên viên phân tích cho rằng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong quý I/2025.
Cụ thể, những yếu tố vĩ mô sẽ hỗ trợ tỷ giá trong năm 2025 bao gồm ổn định môi trường vĩ mô, thặng dư thương mại tích cực (xấp xỉ 24,77 tỷ USD trong năm 2024), dòng vốn FDI (25,35 tỷ USD) và du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Áp lực từ đồng USD
Theo MBS, chỉ số USD Index (DXY) duy trì đà tăng đều đặn trong suốt tháng 12 và đạt mức cao trong hai năm tại 108,4 vào ngày 19/12 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất thêm 0,25 điểm %. Trong cuộc họp gần nhất, các quan chức Fed dự kiến sẽ chỉ có hai lần giảm lãi suất trong năm 2025.
Chỉ số DXY đã giữ đà tăng đều đặn trong ba tháng vừa qua, được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng các chính sách của ông Donald Trump về việc nới lỏng tài khóa, tăng thuế quan và siết chặt nhập cư sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng sẽ thúc đẩy lạm phát.
Trong bối cảnh này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng tại 4,6% vào cuối tháng 12. Điều này cũng đã góp phần giúp hỗ trợ USD tăng 2,6% trong tháng, lên mức 108,5 vào cuối tháng 12.
Những biện pháp hỗ trợ của nhà điều hành
Trong năm 2024, trước bối cảnh áp lực tỷ giá tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp linh hoạt để điều tiết thanh khoản, phát hành 123.700 tỷ đồng tín phiếu và bơm 172.000 tỷ đồng qua kênh OMO. Bên cạnh đó, NHNN giảm lượng thanh khoản hỗ trợ trong tháng 12 để duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa phải.
Lãi suất liên ngân hàng biến động trong tháng, giảm xuống 2,4% vào 19/12 nhờ hỗ trợ thanh khoản, nhưng tăng lại lên 4% vào 27/12 sau khi NHNN bán USD. Kết thúc tháng 12, lãi suất qua đêm ổn định ở 3,6%, trong khi các kỳ hạn ngắn dao động từ 4,4% - 4,7%.
Về lãi suất tiền gửi, sau khi chạm đáy vào tháng 3, lãi suất tiền gửi đã có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 4 do mức lãi suất thấp trước đó đã khiến người dân dần rút tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng.
Xu hướng tăng trở nên rõ rệt hơn kể từ tháng 6/2024, khi tăng trưởng tín dụng tăng vọt từ mức 3,4% của tháng 5 lên mức 6,1% vào cuối tháng 6. Việc tăng trưởng tín dụng tăng nhanh gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn đã thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm.
Tính đến cuối tháng 12, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đạt 5,1%, tăng 0,2% so với đầu năm. Lãi suất tăng do nhu cầu tín dụng cao và tăng trưởng tín dụng vượt mức huy động vốn.
Theo số liệu từ báo cáo MBS, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2024 đạt 15,08%, hoàn thành mục tiêu của NHNN. Tuy nhiên, nợ xấu đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, thúc đẩy các ngân hàng điều chỉnh lãi suất để thu hút vốn. Các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn duy trì lãi suất ở mức 4,7%.
Các chuyên gia nhận định dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm 2025 sẽ bị hạn chế do áp lực từ USD mạnh và nguy cơ Mỹ tiếp tục điều tra thao túng tiền tệ. Vì vậy, NHNN có thể sẽ duy trì lập trường thận trọng và không kỳ vọng cắt giảm lãi suất chính sách.
MBS dự báo sự phục hồi sản xuất và giải ngân đầu tư công dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, làm tăng áp lực lên lãi suất huy động.
"Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động trong khoảng 5% - 5,2% trong năm 2025", báo cáo cho hay.