Tài chính

Máy bay tự hành là tương lai của ngành hàng không: Giúp tiết kiệm 35 tỷ USD/năm, có thể cất cánh vào cuối thập kỷ này

Máy bay tự hành là tương lai của ngành hàng không: Giúp tiết kiệm 35 tỷ USD/năm, có thể cất cánh vào cuối thập kỷ này - Ảnh 1.

Hồi tháng 1, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun tiết lộ một bí mật trong giới hàng không. “Tôi nghĩ rằng tương lai tự động hoá là thật. Sẽ mất thời gian nhưng mọi người phải xây dựng được niềm tin. Chúng tôi cần một quy trình chuẩn mà tất cả đều đồng thuận”.

Tất nhiên, quân đội Mỹ trước đó đã sử dụng máy bay tự hành trong nhiều thập kỷ, song luôn trong một không phận riêng biệt. Giờ đây, ngày càng rõ ràng rằng những chiếc máy bay tự động này đang tiếp cận ngành hàng không thương mại chứ không phải một thế giới tương lai xa xôi nào khác nữa. Các nhà sản xuất đang nỗ lực làm việc. Các hãng hàng không vô cùng háo hức, trong khi Cục Hàng không Liên bang (FAA) chuẩn bị cho mọi kịch bản với máy bay tự hành.

Một thập kỷ trước, sự kiện trên chủ yếu là suy đoán. Nhưng ngày nay, ngày càng nhiều người tin rằng máy bay tự hành nhỏ có thể chở khách vào cuối thập kỷ này. Nếu thuận lợi và không có sự cố nghiêm trọng nào, có lẽ sẽ mất ít nhất một thập kỷ nữa trước khi chúng có thể chở lượng khách lớn hơn và hoạt động ở quy mô rộng hơn.

Dennis Tajer, một phi công 35 năm kinh nghiệm kiêm phát ngôn viên của Hiệp hội Phi công Đồng minh cho biết: “Tất cả là vì tiền. Các nhà sản xuất đang tìm kiếm công nghệ tiên tiến tiếp theo để triển khai, bán và kiếm tiền. Các hãng hàng không thì đang xem xét cách thức để vận hành chúng với chi phí thấp”.

Sáu năm trước, một báo cáo từ ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính máy bay tự hành có thể giúp tiết kiệm cho ngành vận tải hàng không hơn 35 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, khảo sát toàn cầu hồi năm 2017 lại cho thấy phần lớn mọi người sẽ không sẵn sàng tin tưởng máy bay tự hành, ngay cả khi chúng có giá rẻ hơn. Khảo sát công khai từ Ipsos cũng cho thấy 81% người Mỹ cảm thấy không thoải mái khi sử dụng dịch vụ. Hiệp hội Phi công Hàng không (ALPA), nơi có 65.000 thành viên, là tổ chức tài trợ thực hiện cuộc khảo sát này.

Máy bay tự hành là tương lai của ngành hàng không: Giúp tiết kiệm 35 tỷ USD/năm, có thể cất cánh vào cuối thập kỷ này - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp hàng không đang nỗ lực để máy bay thương mại không phi công có thể xuất hiện sớm nhất có thể.

Việc đưa máy bay tự hành vào thực tiễn sẽ bắt đầu bằng những chiếc máy bay chở hàng nhỏ, dẫn đầu bởi các công ty như Xwing - một startup có trụ sở tại Bắc California. Giám đốc điều hành Xwing Marc Piette cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng khung máy bay Cessna hiện có và chuyển đổi nó thành phương tiện được giám sát từ xa. Chúng tôi nghĩ thị trường hàng hóa là nơi thích hợp nhất để triển khai. Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ trước khi làm điều này”.

Được biết trong vài năm qua, Xwing đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm, chủ yếu ở California. Lịch trình bay phải được thông qua, trong khi thông số kỹ thuật phải được lập trình sẵn trước khi cất cánh. “Chỉ cần một cú nhấp chuột thôi là bạn đã vào được hệ thống. Tự nó sẽ làm nhiệm vụ còn lại”, Piette nói. “Phi công có thể ngắt kết nối hệ thống tự động và chuyển máy bay sang chế độ bay thủ công. Nếu không, anh ấy sẽ không phải làm gì khác ngoài việc giám sát hệ thống”.

Nếu thành công, Xwing dự kiến ra mắt máy bay tự hành vào cuối năm 2025, sau đó bán cho các nhà khai thác khác. Được biết đây không phải nhà sản xuất duy nhất chế tạo máy bay tự hành, song Xwing có lợi thế về bộ máy lãnh đạo và lịch trình bay quy củ.

Máy bay tự hành là tương lai của ngành hàng không: Giúp tiết kiệm 35 tỷ USD/năm, có thể cất cánh vào cuối thập kỷ này - Ảnh 3.

Máy bay tự hành là tương lai của ngành hàng không: Giúp tiết kiệm 35 tỷ USD/năm, có thể cất cánh vào cuối thập kỷ này

“Một trong những điểm mấu chốt khi đưa loại máy bay này vào thị trường là chúng tôi không được phép thay đổi quy tắc an toàn bay. Chúng tôi đang tuân thủ các quy định một cách rất chặt chẽ”, đại diện Xwing nói, đồng thời lưu ý rằng một số công ty đã đưa ra các đề xuất rất lỏng lẻo. “Đó là thứ làm quá trình này chậm lại đáng kể.”

Stephane Fymat, người đứng đầu Bộ phận Di chuyển Hàng không Đô thị (UAM) và Hệ thống Máy bay Không người lái (UAS) tại Honeywell, là người có kiến thức chuyên sâu về máy bay tự hành. UAS là công ty có lịch sử lâu đời chuyên sản xuất hệ thống lái tự động cho Boeing Dreamliners, Gulfstream và máy bay phản lực Embraer…

Người đàn ông này đã chia sẻ với Forbes một bài phát biểu ngắn gọn kèm Powerpoint sáu hình ảnh sắp xếp theo dạng lưới. Mỗi slide là một chiếc máy bay được sản xuất bởi một trong những khách hàng của Honeywell. “Về cơ bản, hầu hết họ đều bắt đầu với máy bay có người lái, sau đó dần chuyển sang không người lái. Một số muốn thực hiện điều này trong vòng 4 hoặc 5 năm, trong khi số khác nghĩ phải mất tới 10 năm”.

Trước khi mơ về một chiếc máy bay tự hành, thế giới đã và đang nghĩ về những chiếc máy bay điện. Trong bối cảnh giá xăng tăng và lượng khí thải carbon từ việc di chuyển bằng đường hàng không được giám sát chặt chẽ hơn, phân khúc này ngày càng được quan tâm nhờ ưu điểm không xả thải CO2 và khá yên tĩnh. Âm thanh phát ra khi máy bay hoạt động chỉ rơi ở khoảng 60 decibel, tương đương một cuộc trò chuyện bình thường của con người.

Máy bay tự hành là tương lai của ngành hàng không: Giúp tiết kiệm 35 tỷ USD/năm, có thể cất cánh vào cuối thập kỷ này - Ảnh 4.

Ngày càng nhiều người tin rằng máy bay tự hành nhỏ có thể chở khách vào cuối thập kỷ này.

Theo Johan Norberg, trưởng bộ phận huấn luyện bay tại học viện Green Flight, ước tính một chuyến bay kéo dài 40 phút của hãng Velis Electro chỉ sử dụng hết 2-3 USD điện tái tạo. Trong khi đó, máy bay huấn luyện một động cơ truyền thống tốn khoảng 45 USD tiền nhiên liệu.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 và ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

“Một kỷ nguyên hoàn toàn mới của ngành hàng không sắp bắt đầu”, Billy Nolen, Giám đốc Cục Hàng không Liên bang Mỹ nói. Với ông, những gì từng diễn ra trong các bộ phim viễn tưởng đang thực sự xảy ra.

Tuy nhiên, lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế đang khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn. Thời kỳ các công ty khởi nghiệp chạy đua tăng trưởng một cách bất cần đã qua, trong khi giới đầu tư không mấy sẵn sàng đổ vốn như trước. Kittyhawk, một liên doanh được hỗ trợ bởi nhà đồng sáng lập Google Larry Page đã buộc phải đóng cửa vào tháng 9.

Theo: Forbes, FT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm