“Cày” đủ nghề
Sáng 5/3, gần khu chợ nhỏ trên đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân), chị Lê Thị Thùy Trang (36 tuổi, quê Phú Yên) nhanh tay xới lại nồi xôi thơm nức, nóng hổi rồi gói vào hộp cho khách. Chị Trang có 9 năm làm công nhân ở khâu hoàn thành sản phẩm của Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu).
Cuối năm 2022, công ty giải thể vì không có đơn hàng, khiến gần 1.200 lao động thất nghiệp. Chị Trang đã liên hệ nhiều công ty nhưng chưa có việc phù hợp. Chị mua lại xe bánh mì cũ với giá 600.000 đồng, hàng ngày bán xôi, bánh mì mưu sinh.
Chị Hoàng Thị Nga chuyển nghề bán ngô, trái cây sau khi mất việc để lo cho các con ăn học ảnh: U.P
Từ 3 giờ sáng, chị Trang đã vo gạo nấu xôi, sơ chế thực phẩm, đúng 5 giờ dọn hàng. “Tôi mới bán được gần một tháng nay nên chưa có khách. Mỗi ngày chỉ nấu 2 kg xôi, chục ổ bánh mì bán đến trưa, buổi chiều mình bán thêm chả cá do người quen gửi từ quê vào. Thu nhập cả ngày được khoảng 100.000 đồng” - chị Trang nói. Dịp lễ, chị còn làm hoa hồng sáp để bán thêm.
Tối muộn, chị Hoàng Thị Nga (30 tuổi, quê Đắk Lắk) vẫn niềm nở mời khách mua ngô (bắp) nướng, ngô luộc… bên vỉa hè đường Gò Ô Môi (phường Phú Thuận, quận 7).
“Mình làm công nhân may tại Công ty Đông Minh (quận 7), thu nhập cũng khá nhưng cuối năm ngoái, công ty giải thể. Gần 3 tháng qua, mình tập tành buôn bán để có thêm thu nhập, phụ chồng nuôi con” - chị Nga nói.
Chị Nga cho biết, hai vợ chồng đều làm công nhân; trước đây, công việc thuận lợi, thu nhập ổn định nhưng từ sau dịch bệnh COVID-19, mọi chuyện đều khó khăn. Công ty chị thiếu đơn hàng nên sa thải toàn bộ lao động; chồng chị Nga may mắn chưa mất việc nhưng cũng giảm giờ làm, thu nhập chỉ còn vài triệu đồng/tháng.
Thấy vậy, chị Nga gom số tiền ít ỏi dành dụm được đến chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) mua trái cây, thủy hải sản rồi chính thức "khởi nghiệp". Mùa nào thức nấy, hoa trái ngon rẻ nên ngày nào gần như cũng hết hàng.
“Chồng mình ngoài giờ làm còn chạy thêm xe ôm công nghệ đến tận tối muộn. Mình có ba con nhỏ đang gửi bà nội ở Hà Tĩnh trông giúp, hai vợ chồng ở đây ráng “cày” gửi tiền về quê cho các con. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng vì các con, vợ chồng đều gắng gượng” - nữ công nhân bộc bạch.
Tại bảng giới thiệu việc làm trước Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), thỉnh thoảng lại có lao động đến đọc thông tin. Chị Lê Thị Hoàng (26 tuổi, quê Bến Tre) tâm sự, trước đây làm công nhân ở Công ty May Sun Kyoung (quận 12) nhưng nơi này đã giải thể.
“Mình đã tìm việc nhiều nơi nhưng một số công ty dù thông báo tuyển gấp nhưng đòi hỏi có bằng lớp 12, trình độ chuyên môn… Mình chưa đáp ứng được nên đang tìm việc khác. Dù khá khó tìm việc trong giai đoạn này nhưng mình không nản, vẫn bám trụ thành phố để chờ cơ hội”, chị nói.
Đãi ngộ giữ chân lao động
Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TPHCM bắt đầu có đơn hàng nên thông báo tuyển dụng lao động trở lại. Bà Nguyễn Thị Bích Đào, đại diện Công ty CP May Bình Minh, cho biết, DN có nhu cầu tuyển 200 lao động làm việc tại nhiều chi nhánh. “Chúng tôi rất muốn tuyển lao động từ các đơn vị khác về vì họ đã có kinh nghiệm, với độ tuổi không quá 45” - bà Đào nói.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh (chuyên sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường như ly cốc giấy, hộp cơm giấy… cần tuyển dụng lao động số lượng lớn ở tất cả các lĩnh vực ở như bán hàng, marketing, vận hành máy móc… Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Phúc Thịnh, chia sẻ: “Công ty có nhiều chế độ phúc lợi ngoài lương thưởng, nghỉ phép năm, thưởng chuyên cần, lễ Tết… Do công ty có nhu cầu mở rộng nhà xưởng nên sẽ tuyển lao động thường xuyên và liên tục trong suốt năm”.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh), cho rằng, không DN nào muốn giải thể, cắt giảm lao động trừ khi quá sức cầm cự.
Thời gian qua, Công ty Dony cũng gặp khó khăn về đơn hàng nhưng luôn tìm mọi cách giữ việc cho lao động. Từ chỗ không nhận gia công đơn hàng nhỏ của đối tác mới thì nay “mở toang cửa” tiếp khách. Dony còn nhận đơn hàng đa dạng chủng loại, sẵn sàng điều chỉnh máy móc đáp ứng yêu cầu của khách…
“Ngày nào chúng tôi cũng đi tìm khách hàng chứ không chờ họ đặt quan hệ với mình như trước. Dony không đặt cược tất cả hy vọng vào khách hàng cũ, mà linh động tìm thêm đối tác mới; chấp nhận làm hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để có đơn hàng, giữ việc và để công nhân được tăng ca” - ông Quang Anh nói.
Với phương châm luôn nỗ lực giữ lao động, ông Trần Minh Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Kềm Nghĩa ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chăm sóc móng và các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp), cho biết, lao động phổ thông sẽ được công ty đào tạo tay nghề trong vòng một tháng, sau khi được nhận vào làm chính thức sẽ có mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng và nhiều ưu đãi, phúc lợi đi kèm.
“Nhờ chăm lo tốt nên lao động tại DN luôn ổn định, thời điểm sau Tết, người lao động trở lại nhà máy luôn đạt gần 100%” - ông Tú chia sẻ.
Về hỗ trợ lao động mất việc, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức một tổ do một phó giám đốc trực tiếp phụ trách, ứng trực để tư vấn cho người lao động khi công ty giảm lao động. Ngoài ra, trong năm 2023, thành phố sẽ tổ chức hơn 120 sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến.
Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, do tình hình khách quan, nhiều DN ngành dệt may, da giày… gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lượng lớn lao động. Liên đoàn Lao động TPHCM đã chỉ đạo Công đoàn bám sát cơ sở, nhất là DN có đông lao động gặp khó khăn về đơn hàng để kịp thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ DN cũng như giám sát bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho người mất việc, kết nối nhu cầu tuyển dụng và tìm việc giữa DN và người lao động.
Triển khai gói hỗ trợ lao động mất việc
Liên đoàn Lao động TPHCM mới đây triển khai gói hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN giảm đơn hàng. Diện được hỗ trợ là công đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại DN có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022. Cụ thể, đối với người bị giảm giờ làm việc hằng ngày hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023; có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện hành sẽ được hỗ trợ từ 700.000-1 triệu đồng/người.
Người nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên do DN bị cắt giảm đơn hàng từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023 được hỗ trợ từ 1,4-2 triệu đồng/người. Người bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ từ 2,1-3 triệu đồng/người.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đến ngày 31/3/2023; thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ công đoàn viên, người lao động chậm nhất đến hết ngày 30/5/2023. Tiền hỗ trợ người lao động sẽ được chi trực tiếp một lần, bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.