"Tôi mất số token kiếm được từ game sau khi chuyển nhầm lên sàn Binance. Do sàn này chưa hỗ trợ loại tiền số đó, tôi không thể lấy lại. Trong lúc lo lắng, tôi đã đăng thông tin cầu cứu vào một nhóm trên Facebook", chị Nhàn cho biết.
Một người sau đó đã nhắn tin riêng cho chị, nói có thể lấy lại số token với điều kiện trả công 1.000 USD. Kiểm tra trang cá nhân của người này và "cảm thấy uy tín", chị đồng ý. Nhưng để chắc chắn hơn, chị yêu cầu người này cung cấp số điện thoại, ảnh căn cước công dân và thông tin nơi ở.
"Khi vừa giao mã khóa ví 12 ký tự, tôi có cảm giác bất an vì trong ví còn hơn 2.000 USD tiền số. Nhưng vì tin tưởng đang nắm nhiều thông tin của người đó, tôi nghĩ sẽ không sao", chị Nhàn nói.
Thế nhưng, sau khi đợi 15 phút không thấy phản hồi, chị vào Facebook để nhắn tin hỏi nhưng tài khoản không còn tồn tại, mọi tin nhắn người này đã gửi cũng bị xoá. Gọi vào số điện thoại được cung cấp, chị nhận thông báo không liên lạc được. Cuối cùng, chị đăng nhập vào ví, nhưng toàn bộ số tiền còn lại đã mất.
Văn Thành (Huế) cũng bị mắc chiêu lừa cung cấp mã khóa ví tiền điện tử sau khi chuyển nhầm số token trị giá 2.000 USD qua một mạng lưới blockchain không được hỗ trợ. Không giống chị Nhàn, kẻ gian đã yêu cầu anh truy cập vào một website với lý do cung cấp thông tin để lấy lại tiền. "Tôi đã nhấp vào liên kết mà không hề suy nghĩ. Ngay sau đó, số tiền hơn 1.000 USD còn lại cũng không còn trong ví nữa", anh Thành kể.
Chị Nhàn và anh Thành là hai trong số những người mắc phải chiêu lừa hỗ trợ lấy lại tiền số bị chuyển nhầm mạng lưới blockchain hoặc sàn giao dịch chưa được hỗ trợ. Lê Thanh, quản trị một nhóm Facebook về tiền số có hơn 30.000 thành viên, cho biết chủ đề thảo luận này đang thường xuyên được thảo luận thời gian gần đây.
"Chiêu lừa không mới, xuất hiện từ năm 2015 khi thị trường tiền số bắt đầu thu hút chú ý và bị cảnh báo nhiều lần", anh Thanh nói. Theo anh, kẻ gian thường nhắm mục tiêu "săn mồi" là những người ít hiểu biết nhiều về giao dịch tiền điện tử và từng giao dịch thất bại, bằng cách tìm kiếm các chia sẻ trên mạng xã hội, sau đó nhắn tin trực tiếp đề nghị giúp đỡ. Sau khi tạo sự tin tưởng khi sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân (đa phần là giả mạo), chúng dụ nạn nhân đưa mật khẩu ví, tài khoản sàn tiền số hoặc lừa bấm vào liên kết lạ chứa mã độc.
"Nếu những cách này không thành công, chúng sẽ đề nghị thao tác trực tiếp trên máy tính của nạn nhân thông qua các phần mềm kết nối từ xa như TeamViewer, sau đó cố gắng gửi mã độc hoặc bot để đánh cắp thông tin ví", anh Thanh nói. "Ngoài ra, chúng có thể dụ người dùng cài các tiện ích trên trình duyệt để lấy cắp thông tin".
Thế Phong, với 5 năm kinh nghiệm về blockchain và tiền điện tử, cho rằng nếu tiền số bị mất, khả năng lấy lại gần như bằng không do tính chất ẩn danh, phi tập trung của loại tiền này. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng không can thiệp do tiền điện tử là lĩnh vực chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ. Ông khuyên người dùng không nên nghe theo các dịch vụ lấy lại tiền trên mạng, vì thường là lừa đảo.
Theo ông, người chơi tiền số nên giữ kín cụm từ mã khóa ví (thường 12 hoặc 24 chữ) bằng cách viết ra giấy hoặc cất giữ ở USB thay vì lưu trên nền tảng trực tuyến và không cung cấp cho bất kỳ ai. Người dùng cũng nên bật các phương thức xác thực nhiều lớp nhất có thể và tránh truy cập các liên kết mà mình nghi ngờ.
Thống kê của công ty dữ liệu Chainalysis đầu năm nay cho thấy, tổn thất do tội phạm liên quan đến tiền số đã tăng 79% năm 2021 so với một năm trước đó, lên 14 tỷ USD, do hành vi trộm cắp và lừa đảo tăng đột biến. Trong đó, lừa đảo là hình thức phổ biến nhất với thiệt hại tăng 82%, lên 7,8 tỷ USD. Các chuyên gia cảnh báo, các vụ lừa đảo liên quan đến tiền số sẽ còn tiếp tục tăng mạnh năm nay do mức độ quan tâm từ người dùng ngày càng lớn.