Trong phiên giao dịch 12/7, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch bùng nổ khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 19,53 điểm đóng cửa ở 1174,82 điểm, đây là mức tăng mạnh nhất trong gần 1 tháng qua.
Chỉ số HN-Index cũng ghi nhận mức tăng hơn 5 điểm để đóng cửa ở 281,99 điểm, Upcom-Index cũng ghi nhận tăng 0,53 điểm để đóng cửa ở mức 86,78 điểm.
Trái ngược với đà tăng ấn tượng của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch ngày 12/7, thị giá cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet lại ghi nhận giảm 1.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 1,49%. Với mức giảm này, VJC trở thành mã cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm VN30.
Đà giảm của VJC, khiến khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VJC ghi nhận mức sụt giảm hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, với mức giảm 1.900 đồng/cổ phiếu, khối tài sản của nữ đại gia 52 tuổi người Hà Nội ghi nhận mức giảm hơn 384 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ đà tăng của mã cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chỉ còn giảm hơn 339 tỷ đồng.
Khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục ghi nhận mức giảm hơn 300 tỷ đồng trong ngày 12/7
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7, khối tài sản của nữ tỷ phú người Hà Nội nắm giữ có giá trị hơn 27.137 tỷ đồng. So với đầu năm 2022, khối tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận mức giảm gần 1.100 tỷ đồng tương đương mức giảm 4%. Mức giảm trong khối tài sản của nữ tỷ phú người Hà Nội nhỏ hơn rất nhiều so với mức giảm của chỉ số VN-Index trong hơn 6 tháng qua.
Sau phiên giao dịch ngày 12/7 ghi nhận mức tăng điểm mạnh, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định dù xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng xu hướng hồi phục và hướng lên vùng kháng cự kế tiếp tại 1.19x trước khi gặp áp lực rung lắc rõ nét hơn. NĐT được khuyến nghị chỉ mở mua trở lại quanh ngưỡng hỗ trợ đối với cổ phiếu mục tiêu nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo trong phiên ngày 13/7, thị trường có thể xuất hiện quán tính tăng trong phiên sáng. Theo đó, chỉ số VN-Index sẽ có những nỗ lực kiểm định kháng cự MA10, MA20 ngày đang nằm tại 1.182 - 1.190 điểm.
VCSC cho rằng nếu lực mua được cải thiện tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt (VN30), giúp VN-Index đóng cửa trên 1.190 điểm, chỉ số có thể duy trì đà tăng hướng lên kháng cự tiếp theo tại vùng 1.220 - 1.235 điểm. Tuy nhiên, nếu lực mua tại rổ VN30 vẫn có biểu hiện suy yếu, khiến VN-Index thoái lui khi gặp vùng kháng cự MA10, MA20 nói trên, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến diễn biến khả quan hiện tại của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, ít nhất là sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh giảm hay củng cố.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá VN-Index hồi phục khá tích cực và lấp gap được tạo ra phiên trước. Mặc dù thanh khoản chưa tích cực nhưng động thái hồi phục này cũng đã xác nhận tín hiệu hỗ trợ trong phiên trước. Dự kiến VN-Index sẽ tranh chấp do diễn biến hồi phục đang nhanh nhưng nhịp tăng của chỉ số vẫn có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới.
Công ty Chứng khoán Asean (AseanSC) cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.175 – 1.180 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.185 – 1.190 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.165 – 1.170 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.155 – 1.160 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.