Tại báo cáo chiến lược tháng 4, nhóm phân tích MASVN nhận định mức thuế đối ứng 46% do Mỹ đề xuất được nhận định tạo áp lực lên xuất khẩu, dòng vốn FDI và ổn định tỷ giá. Các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản và điện tử có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh.
Dù Việt Nam đã chủ động giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ và thúc đẩy đàm phán song phương, hiệu quả thực tế vẫn còn hạn chế do thâm hụt thương mại quá lớn và những rào cản cấu trúc như nghi vấn thao túng tiền tệ hay tỷ trọng cao của khu vực FDI.
Trong kịch bản không đạt được miễn trừ hoặc kéo mức thuế xuống tối thiểu, dòng thương mại và FDI có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng kéo dài quá trình đàm phán là phương án khả thi nhất lúc này, giúp hai bên có thêm thời gian tìm tiếng nói chung trong hợp tác song phương.
Về mặt vĩ mô, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát với mức mất giá khoảng 1,33% từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định, góp phần giữ vững ổn định vĩ mô. Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 được đánh giá là tham vọng nhưng khả thi, với động lực từ giải ngân đầu tư công, cải cách khu vực tư nhân và tiêu dùng nội địa.
Thị trường chứng khoán đã phản ứng mạnh với thông tin bất lợi, VN-Index giảm hơn 8% tính đến 4 do áp lực bán tháo từ tâm lý bi quan.

MASVN nhận định đây là giai đoạn hấp dẫn về định giá. Hiện chỉ số đang giao dịch dưới ngưỡng P/E trung bình 10 năm, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn bắt đáy khi các yếu tố nền tảng vẫn duy trì ổn định.
Trong ngắn hạn, VN-Index có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.125–1.150 điểm nếu đàm phán không đạt kỳ vọng. Dù vậy, những tín hiệu tích cực về giải ngân đầu tư công và triển vọng nâng hạng thị trường là cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi trong trung hạn.
Nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sát tiến trình đàm phán thương mại và giữ chiến lược giao dịch thận trọng.