"Năm 2023 là giai đoạn tương đối thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam, người tiêu dùng không mạnh dạn chi tiêu khi chính bản thân họ cũng có những quan ngại về khả năng kiếm tiền của bản thân. Tôi nghĩ những gì khó khăn nhất đã qua, nền kinh tế đang hồi phục rất tốt, FDI tăng trưởng, xuất khẩu trở lại nhịp độ và du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn." Ông Michael Hung Nguyen nói về triển vọng thị trường bán lẻ Việt Nam. Những số liệu gần đây của nền kinh tế cũng phản ánh rõ nét nhận định này.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục thống kê (GSO) tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước ta trong quý II tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Tích cực về triển vọng của Việt Nam, mới đây, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết nền kinh tế nước ta có thể vượt qua mọi dự báo để tăng trưởng ở mức 7% trong cả năm với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 7,4% và 7,6% trong hai quý cuối cùng của năm 2024. Bên cạnh đó, Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam cũng có sự đột phá trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản phẩm trong nước (Nguồn: GSO)
Xuất khẩu đã trở lại nhịp độ với cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu trong 6 tháng đầu năm 2024 là 11,63 tỷ USD. Theo đó, trong tháng Sáu, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,24 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%.
Bên cạnh đó, nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu từ GSO, khách quốc tế đến Việt Nam sáu tháng đầu năm nay ước đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Du khách quốc tế đến Việt Nam (Nguồn: GSO)
Một thông số khác cũng quan trọng không kém, góp phần hé lộ bức tranh phục hồi của nền kinh tế là Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP). Theo đó, theo số liệu từ GSO, sản xuất công nghiệp tháng sáu tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 1/7 vừa qua, báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) mới nhất của S&P Global đã được công bố. Theo đó, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả này không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể.
"Chúng tôi tin rằng động lực cho tiêu dùng cá nhân sẽ tăng tốc nhanh, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm nay. Hoạt động kinh doanh của Masan cũng sẽ hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô kể trên. Quý đầu tiên, chúng tôi có mức tăng trưởng hai con số và kỳ vọng lợi nhuận quý II sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý I", ông Michael Hung Nguyen chia sẻ thêm về triển vọng tích cực của Masan trong quý II năm 2024.
Những con số biết nói của GDP, sản xuất, nguồn vốn FDI, khách du lịch đến Việt Nam từ đầu năm đến nay phần nào báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và tiêu dùng nói riêng, góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ. Với vị thế đầu ngành, Masan Group hứa hẹn sẽ gặt hái những kết quả tích cực trong năm nay.