Tập đoàn Masan (MSN) công bố báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận sau thuế quý vừa qua đạt 946 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất gần hai năm qua.
Nếu tính lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số, Masan lãi 503 tỷ đồng, tăng gần 4,8 lần cùng kỳ 2023. Con số này cũng vượt mức lãi của cả năm 2023 khoảng 20%. 503 tỷ đồng này là phần lợi nhuận còn lại, sau khi chia cho các cá nhân hoặc tổ chức sở hữu một phần nhỏ cổ phần trong công ty so với nhóm cổ đông nắm quyền kiểm soát.
"Kết quả khả quan này nhờ cải thiện các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ, sự phục hồi của các hoạt động không cốt lõi và chi phí tài chính ròng giảm 138 tỷ đồng", Masan giải thích.
Trong quý II, doanh thu thuần của MSN đạt hơn 20.100 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) vượt 3.800 tỷ, tăng 20,9%. Mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ gồm Masan Consumer, WinCommerce, Masan Meatlife và Phúc Long Heritage duy trì đà tăng trưởng tốt.
Trong đó, Masan Consumer (MSC) đạt doanh thu gần 7.400 tỷ đồng, tích lũy thêm 14% so với cùng kỳ 2023. Mức tăng trưởng này đến từ ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và cà phê. MSC duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao là 46,3% nhờ giá bán cao trong khi chi phí nguyên vật liệu thô thấp hơn.
Doanh thu WinCommerce (WCM) nhích thêm 9,2% so với cùng kỳ, vượt 7.800 tỷ đồng. Kết quả này do nâng cấp, cải tiến các mô hình cửa hàng tối ưu riêng cho khu vực thành thị và nông thôn. Tính đến tháng 6, WCM vận hành 3.673 siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+, mở mới 40 điểm bán trong nửa đầu năm.
Đặc biệt, chuỗi bán lẻ này đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6 - lần đầu sau gần 10 năm hoạt động. Từ khi về tay Masan vào cuối năm 2019, kết quả kinh doanh WCM có cải thiện nhưng chưa ghi nhận lợi nhuận ròng, họ chỉ có lãi nếu trừ đi phần thuế, khấu hao và lãi vay.
Thương hiệu Phúc Long cũng tăng trưởng doanh thu khoảng 5,3% so với cùng kỳ, đạt hơn 390 tỷ đồng, nhờ đóng góp từ 15 cửa hàng mở mới trong năm qua. Ban lãnh đạo tiếp tục thận trọng khi chỉ khai trương 4 cửa hàng ngoài WCM, nâng tổng mạng lưới hiện có lên 163 cửa hàng trên toàn quốc.
Ngoài ra, mảng thịt Masan Meatlife cũng có quý thứ hai liên tiếp đạt lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) dương nhờ thịt gà, lợn tăng giá và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm. Mảng khai khoáng Masan High-Tech Materials (MHT) cũng ghi nhận EBIT cải thiện nhờ giá APT và đồng tăng. Thương vụ bán H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) với giá 134,5 triệu USD dự kiến hoàn tất trước cuối năm nay.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang ghi nhận khoảng 607 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm theo kịch bản cơ sở. Ban lãnh đạo cho biết sẽ tối ưu hóa kết quả kinh doanh trong nửa cuối 2024 và dự kiến vượt mục tiêu cả năm nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi, giảm đòn bẩy tài chính và giảm sở hữu ở các mảng không trọng yếu.
Sức khỏe tài chính của Masan cải thiện theo đà tăng trưởng của kết quả kinh doanh. Tiền và các khoản tương đương tăng lên sát mốc 22.000 tỷ đồng đến cuối tháng 6, cao hơn 30% so với cuối năm ngoái do dòng tiền tự do và dòng tiền đến từ các hoạt động tài chính của doanh nghiệp được cải thiện.
Nợ vay giảm hơn 1.700 tỷ về khoảng 67.871 tỷ đồng, gần 57% là nợ dài hạn (các khoản có thời gian đáo hạn trên 12 tháng kể từ ngày lập báo cáo). Nhờ cải thiện lợi nhuận, nợ ròng trên EBITDA 12 tháng gần nhất giảm xuống khoảng 3,3 lần, so với mức 3,9 lần của quý IV/2023. Công ty đã đạt mục tiêu tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5 lần đề ra trước đó.