Chứng khoán

Margin nóng trở lại trong quý III, NĐT vay hơn 160.000 tỷ đồng trước làn sóng giải chấp

 

 Dư nợ cho vay margin toàn thị trường. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.


 

Trong tháng 7 và 8, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực có thời điểm VN-Index tiến sát ngưỡng 1.300 điểm. Tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại khi nhiều mã chứng khoán bước vào nhịp hồi phục. Do đó, nhu cầu giao dịch ký quỹ của thị trường tăng lên.

Tuy nhiên, nhịp giảm sâu trong tuần cuối cùng của tháng 9 đã lấy đi toàn bộ thành quả của thị trường trong 2 tháng. VN-Index giảm 5,47%, đóng cửa quý III ở 1.132,11 điểm. Đà lao dốc tiếp diễn trong nửa đầu tháng 10, chỉ số từng có lúc về dưới ngưỡng 1.000 điểm.

Hiện tượng cổ phiếu liên tục giảm sàn xuất hiện khi nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán bị bán giải chấp. Thống kê từ báo cáo tài chính được 70 công ty chứng khoán cho thấy tổng dư nợ của thị trường tăng trở lại trong quý III.

Ước tính tại ngày 30/9, tổng quy mô cho vay margin toàn thị trường là hơn 160.000 tỷ đồng, tăng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý II. Quy mô này vẫn thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng so với vùng đỉnh cuối quý I.

Dư nợ vay margin tại hầu hết công ty chứng khoán tăng trưởng so với cuối quý II. Tại 30 đơn vị có quy mô cho vay trên 1.000 tỷ đòng, có 4 công ty giảm quy mô cho vay so với cuối tháng 6. Nhiều công ty chứng khoán có quy mô vừa và lớn tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới về cho vay ký quỹ trên thị trường.

 

 Dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán lớn. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

 

Theo báo cáo công bố, 5 công ty chứng khoán có dư nợ margin trên 10.000 tỷ đồng gồm SSI, Mirae Asset (Việt Nam), TCBS, VNDirect và HSC.

Tại ngày 30/9, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) là công ty cho vay margin lớn nhất thị trường với dư nợ 15.387 tỷ đồng, tăng 827 tỷ đồng trong quý II. Đứng thứ hai về margin là Mirae Asset (Việt Nam) với dư nợ 15.105 tỷ đồng. Mức tăng gần 2.900 tỷ đồng của công ty đánh dấu mức tăng lớn nhất thị trường quý vừa qua.

Hai đơn vị khác nâng quy mô cho vay hơn 1.000 tỷ đòng là TCBS và VNDirect, lần lượt đạt 14.907 tỷ đồng và 12.664 tỷ đồng cuối quý III.

Tại nhóm 5 công ty chứng khoán dẫn đầu, duy nhất Chứng khoán HSC (Mã: HCM) giảm quy mô cho vay 300 tỷ đồng, xuống 10.928 tỷ đồng.

Quan sát ở nhóm quy mô vừa và lớn, Chứng khoán VPS cũng giảm quy mô cho vay 800 tỷ đồng trong quý III, xuống 7.953 tỷ đồng.

Một số đơn vị khác đưa dư nợ cho vay margin lên ngưỡng đỉnh lịch sử như Chứng khoán MB (MBS) (6.607 tỷ đồng), KB Việt Nam (5.654 tỷ đồng), VCBS (3.526 tỷ đồng), VPBankS (3.522 tỷ đồng), DNSE (2.365 tỷ đồng), Agriseco (1.784 tỷ đồng), VietinBank Securities (1.779 tỷ đồng), Chứng khoán Dầu khí (1.277 tỷ đồng).

Mức tăng trưởng cho vay margin 300 – 800 tỷ đồng trong quý III ghi nhận tại một số công ty chứng khoán như FPTS (dư nợ 4.350 tỷ đồng), ACBS (3.831 tỷ đồng), Tân Việt (3.098 tỷ đồng), SHS (3.067 tỷ đồng), Phú Hưng (3.052 tỷ đồng), Rồng Việt (2.809 tỷ đồng).

Hai đơn vị giảm nhẹ về dư nợ ký quỹ là Chứng khoán Bảo Việt (2.286 tỷ đồng) và Chứng khoán Tiên Phong (TPS) (1.466 tỷ đồng).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm