Tài chính

Lý lẽ của người đàn ông "sợ bị thăng chức": Đỡ gánh nhiều trách nhiệm, làm thêm hơn 80 giờ/tháng là hủy hoại cuộc sống

Lý lẽ của người đàn ông 'sợ bị thăng chức': Đỡ gánh nhiều trách nhiệm, làm thêm hơn 80 giờ/tháng là hủy hoại cuộc sống - Ảnh 1.

Theo Nippon, thời đại mọi nhân viên khao khát thăng chức lên quản lý có thể sắp kết thúc. Thay vào đó, ngày càng nhiều người lao động tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống - chọn khối lượng công việc vừa phải để hạnh phúc hơn.

Công ty tư vấn tổ chức và quản lý Shikigaku mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn quốc với 300 nhân viên ở độ tuổi 20-50. Kết quả cho thấy 72% số người được hỏi không muốn đảm nhận vị trí quản lý. Ở nữ giới, chỉ 4% thực sự quan tâm đến vị trí này.

Lý do phổ biến nhất là bản thân những nhân viên này không muốn thăng tiến sự nghiệp, ngại chịu nhiều trách nhiệm và không sẵn sàng đáp ứng khối lượng công việc nặng hơn. Họ cho rằng việc thăng chức đồng nghĩa với thêm trách nhiệm, ngoài ra không có lợi ích nổi bật nào khác. Thậm chí, có ý kiến cho rằng “làm thêm hơn 80 giờ/tháng sẽ khiến cuộc sống cá nhân, sức khỏe bị hủy hoại”.

Được biết, Nhật Bản là một trong số những quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc quá sức, hy sinh cả quyền lợi cá nhân. Cụ thể, tháng 5/2021, nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chỉ ra rằng có 745.000 người Nhật đã chết trong năm 2016 vì đột quỵ và bệnh tim sau khi làm việc trên 55 giờ/tuần. Con số này cao hơn 30% so với năm 2000.

Lần đầu tiên trên quy mô toàn cầu, làm việc quá sức được coi là nguyên nhân gây ra các ca tử vong, nhiều tới mức nó được khái niệm hóa với tên gọi “karoshi”.

Báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy trong số hơn 8.900 công ty tăng ca nhiều từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, gần 3.000 doanh nghiệp đã phá vỡ giới hạn làm thêm 80 giờ/tháng. Thậm chí, ít nhất 93 công ty có nhân viên làm thêm 200 giờ/tháng.

Lý lẽ của người đàn ông 'sợ bị thăng chức': Đỡ gánh nhiều trách nhiệm, làm thêm hơn 80 giờ/tháng là hủy hoại cuộc sống - Ảnh 2.

Nỗi sợ trách nhiệm, áp lực khiến nhiều người trẻ không còn mặn mà với việc thăng chức.

Nhật Bản những năm gần đây đang cố gắng loại bỏ văn hoá làm việc quá giờ vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Nạn nhân của văn hóa karoshi thường là những người đàn ông trung niên làm công việc văn phòng, theo Hiroshi Kawahito – luật sư kiêm tổng thư ký của Cố vấn Quốc phòng cho các nạn nhân của karoshi.

Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc cũng tồn tại văn hóa “làm việc đến chết” mang tên 9-9-6. Nỗi sợ khiến nhiều người trẻ sẵn sàng từ bỏ mức lương cao đáng mơ ước để sống một cuộc sống an nhàn và cân bằng hơn.

Phát hiện được tìm thấy thông qua một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 6/2022 có tên Báo cáo việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc. Người tham gia khảo sát là sinh viên tốt nghiệp năm 2021 và đã có 1 năm kinh nghiệm làm việc.

Trước đó, công ty thương mại điện tử Pinduoduo từng gây chấn động dư luận sau cái chết của 2 nhân viên, được cho là vì làm việc quá sức. Một nhân viên đổ gục và chết ngay tại văn phòng vào lúc 1h30 phút sáng; một nhân viên khác chết vì tự tử. Nguyên nhân được cho là vì bị công ty bắt ép làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày.

Nhiều người trẻ theo đó chọn cách buông xuôi và mặc kệ sự đời, trong đó Zhiyuan Zhang là ví dụ điển hình. Anh quyết định gia nhập làn sóng mới có tên “tang ping” - tạm dịch là “nằm thẳng cẳng” - một tư tưởng, lối sống và lựa chọn cá nhân người trẻ Trung Quốc đang hướng đến.

Lý lẽ của người đàn ông 'sợ bị thăng chức': Đỡ gánh nhiều trách nhiệm, làm thêm hơn 80 giờ/tháng là hủy hoại cuộc sống - Ảnh 3.

Giới trẻ Trung Quốc có rất nhiều kiểu “nằm thẳng”

Theo The Washington Post, giới trẻ Trung Quốc có rất nhiều kiểu “nằm thẳng”. Nó bao gồm từ chối kết hôn, không lập gia đình, không làm thêm, và không làm việc bàn giấy. Trong một bài đăng đã bị xóa trên Tieba (MXH Trung Quốc) hồi tháng 4/2021, một phong trào cổ vũ chuyện “nằm thẳng” đã nổi lên, từ đó hình thành một cộng đồng ủng hộ khổng lồ.

“Kể từ khi chuyển đến Thượng Hải cách đây 5 năm, tôi gửi hơn 2000 đơn xin việc, tham gia hàng trăm cuộc phỏng vấn”, Zhang chia sẻ. “Tôi tìm được việc ở một công ty kế toán sau 2 năm, song quyết định nghỉ chỉ sau 4 tháng. Cuộc sống như thế thực sự không phù hợp với tôi”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ tiêu cực như Zhang. Bản thân việc “nằm thẳng” còn có nghĩa làm việc ở mức độ phù hợp, và quan trọng là làm điều mình thích.

“Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu làm việc theo kiểu 9-9-6 đó. Nó là thứ chiếm quỹ thời gian 24/7 của tôi suốt 3 năm trời. Giờ tôi muốn học cách sống thực sự, Shihui Lin sống tại Bắc Kinh cho biết.

Nhiều người nghĩ xu hướng này là một kiểu thái độ không hề tốt của giới trẻ. Cũng có lo ngại rằng trào lưu thờ ơ này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh nở tại Trung Quốc do ngày càng nhiều người trẻ ỷ lại, trì hoãn tìm việc, lập gia đình rồi sinh con.

“Theo góc nhìn của tôi, 'nằm thẳng' chỉ có thể có 2 kiểu người: những người đủ giàu có để rong chơi cả đời, hoặc những kẻ thua cuộc thích nghèo mãi mãi”, một chuyên gia nhận định. “Đừng bao biện sự lười biếng bằng những lời đường mật. Hãy kiếm việc đi”.

Theo: Nippon, The Sixth Tone

Cùng chuyên mục

Đọc thêm