Doanh nghiệp

Lừa đảo qua mạng nhắm vào người thất nghiệp

Tóm tắt:
  • Nhiều người bị lừa khi tìm việc làm thêm online, phải chuyển tiền theo yêu cầu và không nhận lại được tiền.
  • Các trang web mạo danh thương hiệu uy tín như Vietlott, Vinamilk, Syngenta để dụ người dùng chuyển tiền hoặc mua hàng giả.
  • Website giả thường có giao diện sơ sài, yêu cầu đăng nhập để đánh cắp thông tin cá nhân và lừa hoàn tiền hoặc hoa hồng giả.
  • Đối tượng lừa đảo giả danh shipper gọi điện yêu cầu thanh toán phí vận chuyển hoặc tiền hàng giả, không cho kiểm tra hàng.
  • Bộ Công an cảnh báo người dân kiểm tra kỹ đơn hàng, từ chối thanh toán nếu không đặt hàng để tránh bị lừa đảo.

Kiếm thêm thu nhập cũng bị lừa

Báo cáo qua tổng đài Chongluadao.vn, anh T.N, số thuê bao 033599xxx, chia sẻ: "Tôi có nhu cầu tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập nên đã gia nhập một số hội nhóm trên mạng xã hội. Vào tối 8.4, sau khi trò chuyện với một người trong nhóm chat Telegram, tôi được giới thiệu việc làm online, hoàn thành nhiệm vụ để được nhận hoa hồng. Người này hướng dẫn tôi nạp tiền vào số tài khoản của một công ty TNHH. Lần thứ nhất tôi đã chuyển 2 triệu đồng và nhận về liền 2,2 triệu đồng. Lần thứ hai, họ báo chuyển thêm 8 triệu đồng, nhưng hệ thống báo lỗi. 

Lần thứ 3, ứng dụng này bắt mình chuyển thêm 20 triệu đồng để nhận đủ 28 triệu đồng và tiền hoa hồng 10%. Khi tôi chuyển tiền xong thì hệ thống lại báo làm không đúng hướng dẫn nên không trả tiền về được. Lần thứ 4, hệ thống yêu cầu tôi chuyển thêm 60 triệu đồng thì tôi sạch tiền, không còn đủ tiền để chuyển. Lúc này nhân viên tư vấn lại nói là chuyển 32 triệu đồng cũng được, cộng với số tiền 28 triệu đã chuyển trước đó thì sẽ nhận lại 60 triệu đồng. Đến lúc này tôi đã bị mất số tiền lớn và muốn lấy lại nên đã tin tưởng và chuyển thêm 32 triệu. Bây giờ bình tĩnh lại, tôi biết mình đã bị lừa, số tiền nộp vào hoàn toàn không lấy lại được".

Lừa đảo qua mạng nhắm vào người thất nghiệp- Ảnh 1.

Một website mạo danh Vietlott để lừa người dân nạp tiền

ẢNH: KHANG KA

Vừa trình báo với công an về trường hợp bị lừa đảo qua mạng, chị T., ngụ tại Q. Sơn Trà (Đà Nẵng), cũng bức xúc vì bị lừa khi tìm việc làm thêm qua mạng. Chị T. kể: "Trưa 12.4, tôi nhận được công việc biên dịch tiếng Nhật online từ trang Facebook "Ở đây có job ngon". Nhóm này tự xưng là công ty dịch thuật thuộc một công ty thời trang. Họ yêu cầu tôi chuyển sang giao tiếp bằng ứng dụng Telegram. Ban đầu tôi phải đóng 160.000 đồng để mở tài khoản hoạt động, nhận đơn dịch, xong gửi lại để có hoa hồng. Nhưng sau đó tôi không thể rút ra ngay được mà phải sau 4, 5 đơn dịch xong. Số tiền bắt buộc nộp vào để nhận đơn dịch dần tăng lên, đến đơn cuối để rút thì tôi đã chuyển vào khoảng 10 triệu đồng trong khi chỉ mới rút ra được một khoản nhỏ. 

Nhân viên hướng dẫn để rút ra lần cuối lại rất phức tạp và dễ gây nhầm lẫn dẫn đến thao tác sai, và tiếp tục là thông báo hiện tài khoản ở trang làm việc đang bị đóng băng 24 giờ, phải chuyển vào thêm 13 triệu đồng nữa để mở băng, thao tác dịch gửi và rút tiền lại. Tôi đã báo cho Ngân hàng Vietcombank về tài khoản nhận tiền từ Ngân hàng BIDV, đồng thời trình báo công an. Hiện nay những người từng nhắn tin cho tôi đều đã chặn số liên lạc, nhưng vẫn còn một nhân viên liên lạc với tôi để thúc giục tôi tiếp tục chuyển tiền".

Mạo danh doanh nghiệp gia tăng

Lừa đảo qua mạng nhắm vào người thất nghiệp- Ảnh 2.

Trang web mạo danh thương hiệu Công ty Syngenta VN

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trình báo với cơ quan chức, anh N.M.D, ngụ tại Q.10 (TP.HCM), cho biết đã dính cú lừa đảo qua mạng khi bị các đối tượng xấu mạo danh tên tuổi của các doanh nghiệp uy tín để dẫn dụ tham gia chương trình mua sắm hoàn tiền. "Tôi bị dẫn dụ vào website centtral-group.com và đóng tiền để tham gia mở tài khoản mua sắm, sau đó được hoàn lại tiền. Do tên website này gần như trùng khớp với một thương hiệu phân phối bán lẻ uy tín của Thái Lan nên tôi không nghi ngờ và tham gia. Nhưng tôi không được hoàn tiền khi mua sắm như lời quảng cáo, mà các đối tượng liên lạc với tôi yêu cầu phải mua đơn hàng sau với giá cao hơn mới được hoàn tiền. Nhận thấy đây là chiêu trò dẫn dụ với mục đích lừa đảo nên tôi đã dừng lại và không làm theo".

Từ phản ánh trên, PV Thanh Niên đã truy cập vào tên miền để kiểm chứng và nhận thấy website này không phải là tên miền chính chủ mà là cố tình tạo ra địa chỉ gần giống với tên thương hiệu thật. Đáng nói, hình thức mạo danh lừa đảo này không chỉ xuất hiện cá biệt mà gần đây nở rộ các website "nhái" với mục đích lừa đảo. Đơn cử như thương hiệu Vinamilk đang bị mạo danh với địa chỉ website "vinamilkvn.com", khi truy cập vào chỉ xuất hiện giao diện sơ sài với hình ảnh chính là tập hợp nhiều thương hiệu sữa khác nhau trên thị trường chứ không phải nhãn hiệu riêng của Vinamilk. 

Bên cạnh đó, hệ thống yêu cầu phải đăng nhập bằng tài khoản đã được đăng ký (?). Hay như website "syngenta-hanghieu.site" cũng mạo danh thương hiệu Syngenta tại VN để dẫn dụ người mua hàng. Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện truyền thông của Công ty Syngenta VN khẳng định: "Chúng tôi đã kiểm tra và xác nhận trang web mà người dùng phản ánh là website giả mạo để lừa đảo bán hàng. Hiện nay bộ phận IT và digital của Syngenta đã báo cáo trường hợp này lên lãnh đạo công ty để có hướng giải quyết dứt điểm".

Lừa đảo qua mạng nhắm vào người thất nghiệp- Ảnh 3.

Trang web mạo danh thương hiệu Vinamilk

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena, cho biết: "Các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao hiện đang khai thác rất nhiều nhu cầu, thói quen và nhận diện thương hiệu để lừa đảo. Với các thương hiệu doanh nghiệp uy tín, các đối tượng đã tạo ra rất nhiều website "nhái" với tên miền (địa chỉ) và giao diện gây nhầm lẫn, trong đó phổ biến là các website thương mại điện tử, công ty giao hàng và các nhãn hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ thì các website giả mạo chỉ có thông tin sơ sài và nhiều trang web yêu cầu tài khoản đăng nhập để mua hàng. 

Để đăng ký tài khoản này thì người dùng có thể sẽ bị các đối tượng xấu yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, sau đó có thể bị dụ dỗ vào các chương trình mua hàng để nhận hoa hồng hoặc hoàn tiền. Rất nhiều nạn nhân đã sập bẫy chiêu trò lừa đảo này, bởi sản phẩm đặt mua khi giao đến nơi đều không đúng như quảng cáo, và cam kết hoàn tiền cũng không thấy đâu. Vì vậy, người dùng smartphone hay internet cần hết sức cảnh giác, phân biệt rõ đâu là website thật, website giả mạo để tránh bị lừa mất tiền".

Cảnh báo tình trạng giả mạo shipper lừa tiền

Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo khi ghi nhận tình trạng giả mạo shipper (người giao hàng) để lừa đảo phí vận chuyển hoặc tiền mua hàng của người dân. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đã thu thập, mua bán dữ liệu những người thường xuyên mua hàng online, sau đó giả danh shipper gọi điện thoại thông báo giao hàng vào những khung giờ mà người mua hàng thường không có nhà, gửi thông tin chuyển khoản đề nghị thanh toán. Sau đó, kẻ lừa đảo thông báo chưa nhận được tiền, lừa bị hại tiếp tục chuyển tiền hoặc gửi tin nhắn thông báo bị hại đã đăng ký 1 gói dịch vụ nào đấy, với mức phí từ 2 - 10 triệu đồng/tháng và hướng dẫn nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để hủy gói dịch vụ... để chiếm đoạt. Đối tượng lừa đảo giả danh shipper đến giao hàng (bên trong hầu hết là hàng giả, hàng rẻ tiền hoặc không có giá trị), đề nghị thanh toán trước hoặc thanh toán khi giao hàng nhưng không cho kiểm tra hàng hóa.

Các đối tượng lừa đảo tiếp cận với các kênh livestream bán hàng, tiếp cận với những khách hàng đặt mua hàng online, đề nghị xác thực đơn hàng tại các trang web giả mạo hoặc yêu cầu tải app theo dõi giao hàng để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Bộ Công an khuyến cáo người dân luôn kiểm tra kỹ đơn hàng, xác nhận với người gửi trước khi thanh toán, nếu không đặt hàng thì nên từ chối nhận và không thanh toán.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.