Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2023 với lãi trước thuế 22.888 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước đó. Đây là năm đầu tiên Techcombank giảm lợi nhuận, kể từ 2014.
Sau giai đoạn tăng trưởng với tốc độ bình quân 40% một năm và gắn với vị trí "á quân" lợi nhuận ngành ngân hàng, kết quả kinh doanh của Techcombank hiện xếp sau các ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV và Agribank.
Có hai yếu tố chính khiến lợi nhuận Techcombank đi xuống trong năm 2023. Trước hết là thu nhập chính từ hoạt động tín dụng của nhà băng này giảm 9% còn 27.691 tỷ đồng, do chi phí trả lãi tiền gửi tăng với tốc độ nhanh hơn thu nhập từ cho vay. Đây cũng là bối cảnh chung của nhiều ngân hàng sau giai đoạn chạy đua huy động với lãi suất cao từ cuối 2022 nhưng sau đó lại khó cho vay.
Ngoài ra, trước áp lực nợ xấu dâng lên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Techcombank tăng lên 3.920 tỷ, gấp đôi so với 2022. Trong bối cảnh này, ngân hàng tìm cách tiết giảm chi phí bằng cách giảm nhẹ chi phí hoạt động so với năm ngoái.
Điểm tích cực là sau 4 quý liên tiếp giảm lợi nhuận, Techcombank bắt đầu ghi nhận tăng trưởng kết quả kinh doanh trong quý IV/2023. Bên cạnh đó, nền thấp của quý IV/2022 cũng khiến nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% trong quý cuối 2023, đạt hơn 5.770 tỷ đồng.
Năm nay, Techcombank cho biết đặt mục tiêu chia cổ tức tiền mặt dài hạn với tỷ lệ ít nhất 20% lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch này dự kiến trình đại hội cổ đông vào tháng 4 sắp tới. Với lợi nhuận 2023 gần 23.000 tỷ, theo đó mỗi cổ phiếu TCB dự kiến nhận cổ tức tiền 1.500 đồng trong năm 2024.
Tính đến hết năm ngoái, dư nợ tín dụng của riêng ngân hàng mẹ Techcombank tăng 19%, trong đó tiếp tục giảm dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trên dư nợ tín dụng giảm từ 7,5% cuối 2022 xuống 5,3%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này giảm dần từ 1,4% cuối quý III/2023 xuống 1,19% vào cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục cho vay và trái phiếu là 1,12%. Xét theo phân khúc, tỷ lệ nợ xấu của khách hàng bán lẻ giảm nhờ tăng quản lý rủi ro khi cho vay qua thẻ tín dụng, trong khi của khách hàng doanh nghiệp lớn vẫn ổn định quanh 0%, tức gần như không có nợ xấu.