Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) vừa cho biết kết thúc năm 2022, công ty đã hoàn thành kế hoạch sản lượng điện, ước tính vượt 18% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận năm. Ông không nêu rõ là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế.
Năm 2022, PV Power đặt mục tiêu tổng doanh thu 24.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,3% và giảm 64% so với thực hiện năm 2021. Kế hoạch này chưa bao gồm phần lợi nhuận từ việc thoái vốn tại CTCP Điện Việt Lào và CTCP EVN Quốc tế. Như vậy, ước tính, doanh thu của PV Power khoảng 28.605 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021.
Tính riêng quý IV/2021, PV Power ghi nhận doanh thu 7.961 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ, trong đó tháng 12, tổng công ty ước đạt doanh thu 3.140 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VNDirect dự báo, giai đoạn 2023 – 2024, sản lượng nhiệt điện của PV Power tăng nhờ mở rộng công suất.
Năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của POW có thể tăng lần lượt 24%, 61% nhờ tổ máy 1 Vũng Áng 1 (600MW) trở lại và 308 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn Điện Việt Lào.
Sang năm 2024, sản lượng bổ sung từ Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ là yếu tố giúp doanh thu và lợi nhuận ròng của PV Power tăng lần lượt 23%, 15,5% so với cùng kỳ.
Mặc dù Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 chưa chốt được các điều khoản về sản lượng trong Hợp đồng mua bán điện nhưng có thể vận hành từ quý IV/2022 do tiến độ san lấp, giải phóng mặt bằng và thu xếp vốn tích cực.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo VNDirect, từ năm 2023, các khoản vay bằng USD cho Nhơn Trạch 3 và 4 khoảng 1,1 tỷ USD sẽ gây áp lực lớn hơn lên tình hình tài chính cho tổng công ty.
Trong đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu có thể tăng từ 63% trong năm 2022 lên 111% trong năm 2025, điều này làm tăng chi phí tài chính trong giai đoạn đầu tư Capex. Đồng nghĩa với việc, rủi ro tiềm ẩn từ môi trường lãi suất cao và lỗ tỷ giá có thể gia tăng từ năm 2023 với PV Power.