CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận sau thuế "bốc hơi" tới 97% sau kiểm toán năm 2022, giảm từ 150 tỷ còn 5 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân, Dabaco cho biết do có sự thay đổi về các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng.
Theo thuyết minh báo cáo kiểm toán, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản và dịch vụ xây lắp của Dabaco đạt 247 tỷ năm 2022, giảm 75% so với báo cáo tự lập (977 tỷ). Bên cạnh đó, doanh thu bán thành phẩm là 10.853 tỷ, giảm 267 tỷ so với báo cáo tự lập.
Lợi nhuận thâm hụt sau kiểm toán cộng với việc chi trả cổ tức khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Dabaco tại ngày 31/12/2022 chỉ còn hơn 8 tỷ, đầu năm là 595 tỷ đồng. EPS cả năm đạt 21 đồng.
Một doanh nghiệp cũng báo cáo lợi nhuận giảm mạnh sau kiểm toán là CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House – Mã: TDH) .
Giải trình về việc lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 73% so với báo cáo tài chính tự lập, Thuduc House cho biết chi phí tài chính trên báo cáo kiểm toán tăng do tăng trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư; chi phí quản lý cũng bị đẩy lên do trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu quá hạn.
Bên cạnh đó, có sự điều chỉnh giảm thu nhập khác từ hoạt động thanh lý tài sản, đồng thời ghi nhận tăng chi phí khác của dự án đã hoàn thành của công ty và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại do trích trước chi phí xây dựng.
Thuduc House cho biết thêm, năm 2022, doanh thu công ty giảm so với năm 2021 do có sự sụt giảm trong doanh thu từ các hoạt động thanh lý tài sản, thanh lý các khoản đầu tư, tuy nhiên công ty cũng đã tiết giảm được các khoản chi phí hoạt động, từ đó giúp công ty có lãi trong năm 2022.
Không những lợi nhuận "bốc hơi" sau kiểm toán, Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) còn chuyển từ có 6 tỷ đồng thành lỗ 73 tỷ.
Nguyên nhân là, trên báo cáo kiểm toán, công ty đã trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi 92,5 tỷ đồng dẫn đến chi phí quản lý tăng thêm một khoản tương ứng. Do vậy, Danh Khôi từ có lãi thành thua lỗ năm 2022.
Một số công ty khác cũng có kết quả lợi nhuận thụt lùi sau mùa kiểm toán như Vinaconex (Mã: VCG) giảm 118 tỷ, Thaiholdings (Mã: THD) giảm 36 tỷ hay HAGL (Mã: HAG) giảm 55 tỷ. Tuy nhiên, sự sụt giảm vài chục tỷ đồng này không quá lớn so với lợi nhuận sau thuế.
Mùa kiểm toán năm 2022 cũng ghi nhận các doanh nghiệp lỗ nặng hơn so với báo cáo tự lập. Năm ngoái, Thép Nam Kim (Mã: NKG) báo cáo lỗ sau thuế đã kiểm toán gần 125 tỷ đồng, trong khi trước kiểm toán là lỗ gần 67 tỷ. Đây cũng là năm ghi nhận lỗ kỷ lục của Thép Nam Kim.
Giải trình về việc này, công ty cho biết, lợi nhuận giảm chủ yếu do giá vốn tăng. Giá vốn trước kiểm toán là 21.529 tỷ đồng tuy nhiên sau kiểm toán chênh thêm 61 tỷ đồng chủ yếu do trích lập dự phòng hàng tồn kho tại công ty con là Ống thép Nam Kim và không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện năm nay đối với công ty con Ống thép Nam Kim.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) cũng báo lỗ nặng hơn sau mùa kiểm toán. Phần lỗ sau thuế tăng thêm gần 82 tỷ đồng do công ty ghi nhận giảm hơn 9 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành đồng thời tăng chi phí TNDN hoãn lại hơn 92 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh các khoản mục, lỗ sau thuế 2022 của ITA là 258 tỷ đồng, còn theo báo cáo tự lập là lỗ 176 tỷ.
Bên cạnh đó, ITA còn bị kiểm toán điều chỉnh hồi tố làm giảm lợi nhuận trước và sau thuế năm 2021 về mức âm lần lượt gần 340 tỷ đồng và 404 tỷ đồng. Con số trước hồi tố lần lượt là dương 329 tỷ đồng và 265 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh đến nhiều vấn đề liên quan đến thuyết minh các khoản mục như nợ tiềm tàng, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, quyết định của Toà án và thông tin về hoạt động liên tục…
Nhiều doanh nghiệp tăng lợi nhuận sau kiểm toán
Ở chiều tích cực hơn, cũng có nhiều công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng lên sau kiểm toán.
Chẳng hạn, dù doanh thu thuần và các chi phí khác thay đổi so với báo cáo tự lập, giá vốn hàng bán của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đã giảm từ 151.233 tỷ đồng ở báo cáo tự lập xuống còn 151.027 tỷ đồng. Khoản thay đổi này giúp lợi nhuận sau thuế của công ty lọc dầu tăng thêm 275 tỷ đồng, tương đương tăng 2% lên 14.669 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp trong ngành điện là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – Mã: POW) được điều chỉnh tăng thêm 230 tỷ đồng sau kiểm toán, đạt 2.553 tỷ đồng.
PV Power cho biết nguyên nhân có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán chủ yếu là do thay đổi về lợi nhuận của công ty thành viên là CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2). Sau kiểm toán, NT2 lãi thêm 154 tỷ, đạt 883 tỷ đồng năm 2022.
Tổng Công ty Sông Đà (Mã: SJG) cũng có kết quả khởi sắc hơn, tăng 170 tỷ đồng sau kiểm toán, tương ứng tăng 10% lên 1.816 tỷ đồng. Nguyên nhân là, dù doanh thu thuần giảm khoảng 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập nhưng chi phí tài chính trên báo cáo kiểm toán của SJG ghi nhận giảm 259 tỷ, đồng thời có thêm phần lãi từ công ty liên doanh liên kết 50 tỷ so với báo cáo ban đầu.
Nếu so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế đã kiểm toán của SJG gấp ba lần. Nguyên nhân chủ yếu nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến từ 227 tỷ lên 3.557 tỷ đồng, phần lãi từ các công ty liên doanh liên kế tăng gần gấp đôi lên mức 277,4 tỷ.
Trong năm 2022, SJG đã đem đấu giá hơn 41,74 triệu cổ phiếu SJS, tương ứng 36,65% cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Kết quả, CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát đã trúng đấu giá với mức 102.000 đồng/cp. Tính theo giá này, số tiền SJG thu về sau thoái vốn Sudico lên tới 4.258 tỷ đồng trong khi giá trị gốc đầu tư tại thời điểm đầu năm chỉ là 872 tỷ.