Nhóm doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng mạnh trong quý II
Tính tới thời điểm hiện tại, Công ty CP Cao su Thống Nhất (Mã: TNC) đang là doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất. Doanh thu quý II đạt 33,2 tỷ đồng, tăng hơn 190%, lợi nhuận sau thuế 44,2 tỷ đồng, tăng gần 180% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo công ty cho biết kết quả tăng trưởng này là do trong kỳ doanh thu hoạt động tài chính tăng thêm 9,3 tỷ và thu nhập khác tăng 17,8 tỷ đồng. Trong đó, cổ tức được chia từ Công ty CP Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Phân bón Bà Rịa chuyển về công ty tăng so với quý II 10,5 tỷ đồng và hoạt động thanh lý cây cao su trong quý này tăng so với cùng kỳ 17,6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Cao su Thống Nhất ghi nhận doanh thu đạt 48 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 47,4 tỷ đồng tăng 107%.
Cao su Thống Nhất lên kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 đạt 123 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 31,5 tỷ đồng. Như vậy, Cao su Thống Nhất đã thực hiện 39% mục tiêu doanh thu và vượt hơn một nửa kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Một cái tên nổi bật khác trong nhóm doanh nghiệp ngành cao su bão lãi lớn quý II là CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), trong kỳ công ty đã thu về gần 296 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 73,3 tỷ đồng, tăng gần 121%. Đây cũng là mức lãi cao nhất của quý II hàng năm công ty đạt được trong vòng 5 năm qua.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17%, đạt mức gần 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức 119,6 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2022, Cao su Đồng Phú đặt chỉ tiêu doanh thu của công ty ở mức 910 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ đồng. Theo đó, công ty đã thực hiện gần 55% mục tiêu doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận năm.
Công ty CP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu thuần cao hơn lợi nhuận.
Tính chung doanh thu 6 tháng đầu năm ghi nhận hơn 512 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 202,7 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 171,3 tỷ đồng, tăng 47,6%.
Trong khi đó, mặc dù là doanh nghiệp đầu ngành nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) ghi nhận tổng doanh thu 5.573 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu sản xuất kinh doanh mủ cao su đạt 3.245 tỷ đồng, giảm 1,5%, chiếm 58% tổng doanh thu; doanh thu chế biến gỗ là 1.179 tỷ đồng, tăng 8,8%.
Doanh thu tài chính đạt 240,6 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá tăng cùng với khoản lợi nhuận khác của công ty tăng 15,3% lên 307,6 tỷ đồng nhờ lãi thanh lý vườn cây cao su và thanh lý tài sản cố định giúp tập đoàn thu về 1.199 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 10.478 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ, lãi ròng đạt 2.122 tỷ đồng, tăng 35% do có thêm thu nhập khác từ cây cao su thanh lý, gãy đổ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.213 tỷ đồng, tăng 40,2%.
Năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt 29.707 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.340 tỷ đồng. Như vậy, sau hai quý, đơn vị này đã thực hiện 35% kế hoạch doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 giữa tháng 6, lãnh đạo tập đoàn cho biết lợi nhuận của đơn vị sẽ tập trung nhiều vào quý III và quý IV. Hàng năm, quý II chỉ chiếm khoảng 20% kế hoạch sản lượng.
Đánh giá về tình hình giá mủ cao su, đại diện tập đoàn cho biết giá mủ bình quân năm 2021 trên 39 triệu đồng/tấn. 6 tháng qua cũng đã giữ được mức tương đương là 38 - 39 triệu đồng/tấn. Nhìn chung giá mủ trong năm 2022 cũng sẽ xấp xỉ năm 2021, khiến lợi nhuận của cao su tiệm cận với năm ngoái.
Chi phí tăng, thị trường biến động ghì chặt lợi nhuận một số doanh nghiệp
Bên cạnh những doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng thì vẫn có một số doanh nghiệp bị “tụt dốc”. Cụ thể, Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) ghi nhận doanh thu thuần 1.148 tỷ đồng, giảm 4,7% và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng, giảm 21%.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần 2.431 tỷ đồng, tăng 7% và thực hiện 55% kế hoạch năm; lãi trước thuế 186 tỷ đồng, giảm 12% và thực hiện 58% kế hoạch năm.
Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận giảm trong quý II chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh và kinh tế chính trị thế giới biến động, giá xăng dầu tăng cao, tình hình tiêu thụ sụt giảm trong khi chi phí đầu vào tăng cao.
Cũng theo Ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng, hoạt động sản xuất năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn như tình trạng thiếu hụt lao động tại một số khâu sản xuất do số người bị nhiễm COVID-19 tăng, giá thuê container rỗng tăng cao và khan hiếm, chi phí vận chuyển tăng cao làm cho giá mua hầu hết nguyên vật liệu đều tăng cao.
Đặc biệt, chiến sự Nga – Ukraine làm cho giá mua hầu hết nguyên vật liệu và hàng hóa tăng phi mã, thanh toán quốc tế bị ảnh hưởng do Mỹ và phương Tây cấm vận Nga, hoạt động xuất nhập khẩu vào 2 thị trường Nga và Ukraine của đơn vị bị gián đoạn.
Trong năm 2022, Cao su Đà Nẵng đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.428 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 256 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện 55% kế hoạch doanh thu và 58,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Với CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR), cả lợi nhuận và doanh thu đều “lao dốc” mạnh. Doanh thu thuần giảm gần 50% về còn 241,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý II giảm 32,6% xuống mức 54,8 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế có sự sụt giảm do lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm so với cùng kỳ 19,2%, trong đó, sản lượng mủ tiêu thụ giảm dẫn đến kết doanh thu bán thành phẩm trong quý II giảm so với cùng kỳ.
Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động khác giảm so với cùng kỳ 85,2% do trong quý II doanh nghiệp không ghi nhận tiền thu nhập từ thanh lý vườn cao su.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Phước Hoà đạt gần 607 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 108% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 353,8 tỷ đồng do doanh thu quý I khả quan và gần 300 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ nhờ được bồi thường thực hiện dự án Khu công nghiệp VSIP III.
Năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 2.253 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 744 tỷ đồng. Như vậy, công ty hiện mới thực hiện được 15,3% kế hoạch doanh thu và 47,5% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.
Triển vọng nào cho sự tăng trưởng cuối năm của ngành hàng?
Thông thường, sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị tác động bởi diễn biến giá cao su và cung cầu của thị trường. Do đó, khi các yếu tố này biến đông, khả năng sẽ liên đới đến cả doanh thu và lợi nhuận của các công ty.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thị trường cao su quý II/2022 bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt trên thế giới đã có sự biến động mạnh trong quý II. Cụ thể, giá có xu hướng tăng mạnh trong 15 ngày đầu tháng 4 nhưng sau đó giảm đến hết tháng 5 và phục hồi trở lại trong tháng 6.
Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh cũng đã biến động mạnh với xu hướng gần tương đồng thị trường thế giới khi tăng mạnh trong tháng 4 sau đó giảm trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022.
Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý II vẫn lạc quan khi ngành hàng dần phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu tăng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su quý II đạt hơn 380.000 tấn, trị giá 646,4 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779.000 tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2021.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong tháng 6, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 1,1 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi tiêu thụ đạt 1,2 triệu tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2021, tương ứng cung thiếu hụt khoảng 100.000 tấn. ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu trong các năm tới.
Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các thị trường này đang dần hồi phục. Đây sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam.
Trong đó, tín hiệu tích cực về mặt thị trường được thể hiện khá rõ về nhu cầu từ hai thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam là Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng, tuy nhiên, chỉ có khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Như vậy, mỗi tháng, quốc gia này thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên.
Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt hơn 797 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm khoảng 14,2% trong tổng nhập khẩu của quốc gia tỷ dân này.
Còn theo dự báo của Tổng cục Cao su Ấn Độ, trong năm 2022, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này chỉ đạt 800.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 1,24 triệu tấn. Như vậy, Ấn Độ cần nhập khẩu 440.000 tấn cần nhập khẩu.
Đáng chú ý, kết thúc nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt hơn 56.800 tấn, trị giá 103,4 triệu USD, tăng 62,4% về lượng và tăng 62,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.820 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam hiện là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm, chiếm gần 11% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của nước này, cao hơn so với mức 7,5% của cùng kỳ năm ngoái.