Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với kỳ vọng đạt hơn 2.250 tỷ đồng doanh thu và 744 tỷ lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Chỉ tiêu doanh thu tăng gần 16% so với năm ngoái, trong khi lợi nhuận được dự báo tăng gần 56%.
Cũng đề mức kỳ vọng cao trong năm nay, Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (Casumina - CSM) xác định tiếp tục tiết giảm chi phí sản xuất để lợi nhuận quay lại mức như trước đây với khoảng 136 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, lợi nhuận Casumina năm nay sẽ tăng với tốc độ ba chữ số, thoát khỏi mức trung bình chỉ chục tỷ đồng kéo dài từ năm 2017 đến nay.
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp cùng ngành lại đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng. Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk (DRI) kỳ vọng doanh thu nhích nhẹ lên mức tròn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại đi lùi khoảng 9,5% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (TNC) cũng nâng chỉ tiêu về doanh thu lên 75% nhưng lợi nhuận sau thuế hạ hơn 19% so với năm 2021. Cao su Tây Ninh cũng đề chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 75 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với năm 2020.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Thành Công (TCSC) cũng dự báo, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Đồng Phú (DPR) sẽ giảm gần 20% dẫu doanh thu vẫn tăng trưởng.
Nhìn chung, cao su tiếp tục được dự báo là ngành kinh doanh thuận lợi trong năm nay. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho rằng triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán tiếp tục giữ ở mức cao. Sản lượng cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng 5,6% so với năm ngoái.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su chỉ nhích nhẹ về sản lượng nhưng giá trị lại tăng đến 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ khiến giá mủ tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Điều này giúp Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị thu về.
Tuy vậy, kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp có sự phân hóa chủ yếu do ảnh hưởng bởi các khoản thu tài chính từ công ty con hay hoạt động khác như thanh lý cây cao su, đền bù đất... Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận biến động về lợi nhuận vì các khoản kể trên.
Trong đó, Cao su Đắk Lắk gặp khó với các khoản thu tài chính từ công ty con ở nước ngoài - Daklaoruco. Hiện dư nợ vay của DRI không ít được tính bằng đồng kíp Lào (LAK), một khi tỷ giá biến động mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh, nhất là thị trường tiền tệ thế giới được dự báo khó lường thời gian tới. Năm ngoái, việc đồng kíp giảm xuống mức thấp nhất 15 năm so với USD đã làm tăng đáng kể chi phí tài chính của Cao su Đắk Lắk.
Riêng quý IV/2021, doanh nghiệp này chịu lỗ do chênh lệch tỷ giá hối đoái hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, DRI cũng lỗ thanh lý vườn cây cao su hơn 11 tỷ đồng trong thời điểm đó khiến lợi nhuận giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.
Cũng chịu tác động bởi công ty con ở nước ngoài, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) năm nay lường trước kịch bản Công ty Siêm Riệp - Phát triển cao su (Campuchia) sẽ lỗ sau thuế gần 62 tỷ đồng. Hiện công ty này chỉ mới vào năm khai thác thứ 3.
Không gặp khó vì công ty con, Cao su Đồng Phú lại có thể hụt đi tiền đền bù đất trong năm nay. Với quan điểm thận trọng, TCSC cho rằng, khoản tiền 317 tỷ đền bù đất từ Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú mở rộng sẽ không được ghi nhận sớm mà phải đợi đến năm 2023. Vì thế, doanh nghiệp này mất đi khoản lợi nhuận mang tính hỗ trợ rất lớn trong năm nay.
Ngoài ra, thanh lý gỗ thường đóng góp tương đối lớn vào lợi nhuận của Cao su Đồng Phú khi doanh nghiệp này thanh lý bình quân khoảng 500 ha cao su mỗi năm. Riêng quý IV/2021, DPR lãi tăng đột biến khi xuất hiện hơn 200 tỷ đồng lợi nhuận thanh lý cây cao su. Tuy nhiên, do công ty không trồng mới trong giai đoạn 1995-2002 nên tốc độ thanh lý dự kiến giảm xuống.