Quý II vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận lãi sau thuế 4.023 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ 2021.
Chi phí vận tải lên cao, chủ yếu do các lệnh trừng phạt mà châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga gây gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng giá xăng dầu. Giá các nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất thép, cụ thể là than cốc, cũng đi lên đáng kể.
Giá vốn hàng bán quý II tăng 31% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu chỉ nhích lên 6%. Kết quả là lợi nhuận gộp giảm, biên lãi gộp chỉ còn 17,5% trong khi cùng kỳ năm ngoái lên tới gần 33%.
Nhu cầu thép thế giới suy yếu vì Trung Quốc duy trì chính sách phong tỏa Zero COVID hà khắc. Cầu thép trong nước giảm theo xu hướng chung, nhất là với thép cuộn cán nóng (HRC). Giá bán thép đi xuống khiến Hòa Phát phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 575 tỷ đồng, dẫn tới tăng gánh nặng chi phí và kéo tụt lợi nhuận.
Biên lãi thuần trong quý vừa qua là 10,7%, chưa đầy một nửa mức 27,7% của quý II/2021.
Giá thép sắp chạm đáy?
Chứng khoán SSI cho rằng nhu cầu thép trong nước nửa cuối năm sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực lạm phát và việc Chính phủ siết chặt quản lý thị trường bất động sản.
Sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) cũng sẽ gặp thách thức do các nhà sản xuất tôn mạ đang giảm số dư hàng tồn kho trong bối cảnh giá đi xuống và nhu cầu chậm lại ở cả kênh nội địa và xuất khẩu.
Từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép xây dựng đã giảm 12 lần liên tiếp, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. SSI cho rằng giá mặt hàng này có thể tiếp tục chịu áp lực trong quý III do yếu tố mùa vụ, cùng với việc giá nguyên liệu đầu vào giảm.
Giá HRC của Hòa Phát giao quý II vẫn duy trì ở mức cao khoảng 880 USD/tấn nhờ các hợp đồng được ký và chốt giá từ trước. Tuy nhiên, giá HRC trong các tháng tới đã giảm hơn 30%.
SSI cho biết giá HRC giao ngay đang thấp hơn khoảng 12% so với thép xây dựng, trái ngược với trung bình hai năm qua là cao hơn 18%. Vì thế, tỷ suất lợi nhuận mảng HRC của Hòa Phát được dự báo sẽ dần giảm xuống dưới mức tỷ suất lợi nhuận của mảng thép xây dựng.
Mặc dù vậy, SSI cho rằng giá thép có thể chạm đáy trong vài tháng tới vì hai lý do. Thứ nhất, khả năng Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa vì COVID-19 có thể hỗ trợ nhu cầu thép. Thứ hai, nguồn cung toàn cầu giảm, do tỷ suất lợi nhuận của nhiều nhà máy đã xuống mức hòa vốn hoặc thấp hơn.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên sản xuất 949,4 triệu tấn thép trong nửa đầu năm nay, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng của Trung Quốc – nước chiếm trên 50% thị phần thép toàn cầu – cũng giảm 6,5% còn gần 527 triệu tấn.
SSI cho rằng việc sản lượng thép thế giới sa sút là tín hiệu sớm cho thấy áp lực cung vượt cầu sẽ sớm giảm bớt.
Giá tại Trung Quốc đã phục hồi 10% so với mức đáy. Có thể sẽ cần vài tuần để sự hồi phục của giá tại Trung Quốc tác động lên giá tại thị trường Việt Nam, trong đó giá HRC ở Việt Nam có thể chạm đáy trước giá thép xây dựng do mức độ tương quan của giá HRC với thị trường quốc tế cao hơn. Lợi nhuận của Hòa Phát có khả năng sẽ chạm đáy trong ba quý tới.
Hòa Phát gia tăng thị phần
Chứng khoán SSI hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của Hòa Phát xuống còn lần lượt 147.466 tỷ và 21.585 tỷ, thấp hơn tương ứng 1,5% và 37,4% so với thực hiện năm 2021. Dự báo này cũng thấp hơn kế hoạch doanh thu 160.000 tỷ và lãi sau thuế 25.000 – 30.000 tỷ mà đại hội cổ đông của Hòa Phát đã thông qua.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC được dự báo đạt 4,6 triệu tấn và 2,65 triệu tấn, lần lượt tăng 17% và 3% so với năm ngoái. Sản lượng bán hàng ống thép và phôi thép ước tính đạt 690.000 tấn (không đổi) và 420.000 tấn (giảm 68%).
Trong năm 2023, SSI kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng 11% lên 24.000 tỷ đồng do sản lượng từ dòng sản phẩm thép chủ chốt tăng 9% và tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định. Hòa Phát có thể sẽ duy trì mức tăng trưởng sản lượng tích cực ngay cả khi thị trường suy giảm nhờ khả năng cải thiện thị phần.
Trong quý II khi giá bán bắt đầu đi xuống và sản lượng tiêu thụ chững lại, Hòa Phát vẫn duy trì thị phần thép xây dựng ở khoảng 36%, cao hơn đáng kể so với mức 32,6% của cả năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu 2022, cứ 1.000 tấn thép xây dựng Việt Nam được tiêu thụ thì có 362 tấn do Hòa Phát sản xuất.
Giá các nguyên liệu thô như than cốc và quặng sắt hiện nay đã giảm lần lượt 60% và 40% so với mức đỉnh trong quý II. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn vẫn bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho chi phí cao, nhưng chi phí đầu vào giảm có thể giúp ổn định tỷ suất lợi nhuận của công ty trong quý IV, Chứng khoán SSI cho hay.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết giá bán thép xây dựng đầu quý III vẫn tiếp tục giảm, nhưng biên độ giảm đã thấp hơn trước, từ khoảng 300.000 đồng/tấn xuống còn 100.000 - 150.000 đồng/tấn trong mỗi lần điều chỉnh.
Giá than thời điểm cuối tháng 6 còn 243 USD/tấn, giảm 64% so với đỉnh hồi tháng 3. Giá quặng sắt giảm xuống dưới 100 USD/tấn. Hòa Phát dự báo biên lợi nhuận quý III có thể sẽ vẫn tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ quý II.
Tuy nhiên giá nguyên liệu hạ nhiệt trong quý III sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận của quý cuối năm 2022.
Một trong những hướng đi của Hòa Phát trong thời gian tới là mở rộng thị trường nước ngoài. Tỷ trọng thép xây dựng xuất khẩu tăng từ 28% trong quý I lên 36% trong quý II/2022. Việc phát triển thị trường xuất khẩu vừa giúp tăng sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát, vừa tạo thêm nguồn doanh thu USD để cân bằng hơn về cán cân ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá.