55-75% cơ thể người là nước, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính. Theo khối lượng, nước là phân tử phong phú nhất bên trong các tế bào cơ thể, tiến sĩ Diane Tran, bác sĩ y khoa tại Central Health, cho biết. Nước bao quanh các tế bào, là một thành phần của máu người.
Con người bị mất nước qua quá trình bài tiết, tiêu hóa, thông qua mồ hôi và cả khi thở. Cách duy nhất để bổ sung lượng chất lỏng đã mất đi này là uống thêm nhiều nước hoặc ăn các loại quả mọng nước.
Sandra Carvajal, chuyên gia dinh dưỡng toàn diện tại Trung tâm Sức khỏe Stanley, nhận định mọi người thường đánh giá thấp lợi ích của việc uống nước. Dù đây là loại thức uống không có giá trị dinh dưỡng, nó rất quan trọng đối với quá trình sinh hóa trong cơ thể.
Không đủ nước, cơ thể hoạt động kém hiệu quả, chất độc bị tích tụ, con người không tiết đủ nước bọt, giảm thể tích máu, tổn thương tim và não, các khớp cơ không được bôi trơn. Thiếu nước cũng dẫn đến nhức đầu, khiến da xỉn màu.
"Cơ thể không điều chỉnh được nhiệt độ nếu bị mất nước. Không được uống nước vài ngày, con người sẽ chết", tiến sĩ Carvajal nói.
Nghiên cứu do Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI) theo dõi gần 16.000 tình nguyện viên trong 25 năm. Các chuyên gia phát hiện người trưởng thành uống đủ nước có sức khỏe tốt, ít mắc các bệnh mạn tính như tim phổi và sống lâu hơn những người không uống đủ nước.
Natalia Dmitrieva, chuyên gia Phòng thí nghiệm Y học Tái tạo Tim mạch tại NHLBI, tác giả nghiên cứu, cho biết bà và các đồng nghiệp đã đưa ra giả thuyết rằng tình trạng mất nước mạn tính có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa.
"Ở chuột, chúng tôi nhận thấy việc thiếu nước suốt đời đẩy nhanh quá trình thoái hóa, rút ngắn tuổi thọ. Trung bình, các con chuột bị hạn chế uống nước sống ít hơn 6 tháng so với bình thường, tương đương khoảng 15 năm tuổi thọ ở người", bà giải thích.
Thiếu nước cũng khiến con người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến lão hóa như tim mạch, tiểu đường tuýp 2, mất trí, bệnh thận và phổi mạn tính.
Nguyên nhân là bởi cơ thể cố gắng tích trữ chất lỏng nếu không được bổ sung nước đầy đủ. Uống ít nước làm tăng nồng độ natri, kích thích tiết hormone tác động lên thận, giảm bài tiết, khiến nước tiểu cô đặc hơn. Các hormone này tăng cao cũng ảnh hưởng đến những mô khác trong cơ thể, dần dần làm suy yếu chức năng, dẫn đến lão hóa.
Theo tiến sĩ Tran, hệ thống điều chỉnh lượng nước trong cơ thể hoạt động khá phức tạp, có sự tham gia của não, thận cũng như các hormone phát hiện thay đổi về nồng độ muối và nước. Cơ chế cân bằng chất lỏng giúp duy trì lượng nước tối ưu, tự báo hiệu khi nào con người nên uống nhiều nước hơn, đồng thời giúp kiểm soát lượng nước tiểu mà thận sản xuất.
Uống đủ nước giữ cho chất điện giải ở trạng thái cân bằng. Khi con người không uống đủ nước, nồng độ natri huyết thanh tăng lên, kích hoạt cơ chế tiết kiệm nước, khiến thận bài tiết nước tiểu ở dạng cô đặc hơn.
Theo tiến sĩ Dmitrieva, cách tốt nhất để đảm bảo đủ nước trong cơ thể là chủ động nhận thức lượng chất lỏng nạp vào, đảm bảo uống đủ lượng nước khuyến nghị mỗi ngày.
"Lượng nước phù hợp các tổ chức về sức khỏe trên thế giới đưa ra là khác nhau, từ 2 đến 3 l chất lỏng hàng ngày với nam giới và 1,6 đến 2,1 l đối với nữ giới. Đây là lượng khuyến nghị trong những ngày bình thường, không hoạt động thể chất cường độ cao hoặc ở môi trường nóng thời gian dài", tiến sĩ Dmitrieva nói.
Các cuộc điều tra dân số toàn cầu ước tính hơn 50% người dân uống ít nước hơn mức khuyến nghị, gần như lúc nào cũng trong trạng thái thiếu nước. Tỷ lệ này thậm chí cao hơn ở người lớn tuổi, chủ yếu do đây là nhóm ít có cảm giác khát. Một số người lo ngại về tình trạng tiểu tiện ngoài ý muốn nên hạn chế uống nước.
Tuy nhiên, người cao tuổi là nhóm cần uống nước đầy đủ, bởi thiếu nước dễ dẫn đến tình trạng lú lẫn, huyết áp thấp nguy hiểm.
Bên cạnh nước lọc, các chuyên gia khuyến nghị mọi người bổ sung các loại thực phẩm giàu nước như dưa chuột, dưa hấu, dứa, cà chua, rau diếp và việt quất. Những loại quả này chứa nhiều vi chất dinh dưỡng, vitamin và chất xơ giá trị.
(Theo SCMP)