Các công ty logistics lớn tại Hàn Quốc đã sử dụng robot vận tải để hợp lý hóa quy trình xử lý và đóng gói đơn hàng.
Trong khu phức hợp logistics ở thành phố Gunpo gần Seoul, một trong nhiều nhà kho khổng lồ của CJ Logistics, đơn vị này đang thực hiện các dịch vụ đóng gói và vận chuyển thay cho một nhà bán lẻ trực tuyến. Trên tổng diện tích 7.000 m2 tại nhà kho, có 630 kệ hàng tự động và 101 robot nâng và di chuyển chúng với hàng hóa.
Trong công đoạn đóng gói và vận chuyển thông thường, công nhân sẽ đi đến các kệ, lấy các sản phẩm đã đặt hàng và để chúng lên xe. Tuy nhiên, CJ đã thay đổi quy trình này khi để các kệ chuyển đến tay công nhân.
Theo đó, khi một công nhân nhập đơn đặt hàng vào hệ thống máy tính, một kệ với các mặt hàng được lựa chọn tối ưu sẽ di chuyển vào khu vực đóng gói. Sau đó, công nhân sẽ chọn, đóng gói để vận chuyển.
Hệ thống mới, dù thoạt nhìn có vẻ không hiệu quả, nhưng là kết quả của quá trình nghiên cứu tại phòng thí nghiệm logistics của CJ. Các sản phẩm được phân loại theo nhu cầu mua của người tiêu dùng. Điều này giúp giảm thời gian chờ đợi của công nhân, mỗi người có thể đóng gói 23,8 hộp mỗi giờ, tăng từ 15,4 hộp trước, hiệu suất cải thiện 55%, theo CJ.
Mỗi ngày CJ đóng gói khoảng 1.400 loại hàng hóa bán cháy bao gồm khẩu trang, chất tẩy rửa, đồ dùng cho trẻ em thay cho sàn thương mại điện tử Naver của Hàn Quốc. Theo CJ, khả năng đóng gói các sản phẩm được đặt từ nhiều cửa hàng trong một chiếc hộp duy nhất cho phép làm giảm chi phí vận chuyển và tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng.
Bên cạnh nguy khan hiếm lao động trong ngành logistics, mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc, đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua và sẽ tiếp tục tăng lên 9.620 won (7,39 USD) mỗi giờ vào năm 2023. Đó là lý do khiến việc sử dụng robot trở nên tối ưu hơn với nhiều doanh nghiệp.
Hiện, trong ngành công nghiệp nhà hàng, người phục vụ bàn robot, chuyên cung cấp bữa ăn trên khay cho khách hàng ngày càng trở nên phổ biến. Đầu bếp robot với khả năng chiên 50 con gà mỗi giờ hay nấu bánh gạo cay cho 5 người trong khoảng 10 phút cũng được nhiều nhà hàng sử dụng.
Gần đây, một máy chủ cà phê robot đã ra mắt tại một ga tàu lớn ở Seoul. Các "nhân viên" pha cà phê robot thường làm việc tại các quán cà phê nhỏ không người phục vụ hay tại các ga tàu điện ngầm.
Hàn Quốc dự kiến sẽ phải trải qua một đợt sụt giảm dân số nhanh chóng trong tương lai gần vì tỷ lệ sinh của nước này đang thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Do đó, việc sử dụng robot để giảm bớt tình trạng thiếu lao động tại Hàn Quốc trở nên dễ dàng và phổ biến hơn so với các quốc gia khác. Đồng thời, những nỗ lực của doanh nghiệp để thích nghi với chi phí lao động tăng dẫn đến tình trạng robot được sử dụng sớm hơn trong các ngành công nghiệp.
Mới đây, một công ty Hàn Quốc bắt đầu vận hành thử nghiệm robot vận chuyển hàng hóa trên đường công cộng. Thử nghiệm lần đầu tiên được đưa ra bởi Woowa Brothers, nhà điều hành ứng dụng giao đồ ăn tại xứ sở Kim Chi khi công ty này sử dụng robot giao hàng nhỏ "Dilly Drive" để giao đồ ăn từ cửa hàng đến tay khách hàng.
Cuối năm nay, chính phủ Hàn Quốc sẽ làm rõ định nghĩa pháp lý của robot giao hàng và thiết lập các quy định an toàn và các tiêu chuẩn quản lý khác.Theo luật giao thông hiện hành, robot giao hàng được định nghĩa là phương tiện không người lái, do đó, bị cấm trên vỉa hè và đường băng qua đường. Văn bản sửa đổi pháp lý dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm này vào năm 2023, mở đường cho việc sử dụng robot cho các mục đích thương mại.
Lotte, nhà điều hành chuỗi 7-Eleven, bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng robot vào 2021 cùng với công ty khởi nghiệp phát triển robot Neubility tại Seoul. Đơn vị này sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện độ chính xác và độ tin cậy của robot trước thời gian sửa đổi pháp lý dự kiến và triển khai đồng bộ robot giao hàng trong tương lai.
(theo Nikkei Asia)